Cuộc tranh giành chiếc ghế “chị đại” của giám khảo truyền hình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐã quyền lực thì thường ở vị trí chính giữa - trung tâm của chương trình và tất nhiên, phải bằng tài năng kinh nghiệm, uy tín và trọng lượng lời nói lâu năm trong nghề mới có được. Đừng tưởng vị trí chiếc ghế và cái danh “chị đại” là danh hão, ngược lại, vì chiếc ghế đó, mà showbiz lâu nay có cả những cuộc đấu đá, tranh giành lúc ngấm ngầm khi công khai. Dù theo hình thức nào thì để có thể được cái gọi là “chị đại” và ngồi ghế “chị đại”, thật chẳng dễ dàng.
The Face – Gương mặt thương hiệu mùa 2 liên tiếp giới thiệu về giám khảo khách mời của phần thi The Look – một phần thi riêng của chương trình là “chị đại” đến từ Thái Lan – huấn luyện viên (HLV) Lukkade Metinee. Vì sao Lukkade được đánh giá là một “chị đại” đúng nghĩa của truyền hình Thái Lan?
Đó là so về tuổi đời và tuổi nghề thì Lukkade “vượt trội” hơn hẳn so với 3 HLV Việt. Cô đăng quang ngôi vị “Miss Thailand World” vào năm 1992, là đại diện cho đất nước “chùa vàng” tại cuộc thi “Miss World” cùng năm và được vinh danh là “Nữ hoàng sắc đẹp châu Á, Thái Bình Dương”.
Không chỉ hoạt động trong nghề người mẫu chuyên nghiệp, Lukkade Metinee còn có hẳn một sự nghiệp diễn xuất “đồ sộ” với hơn 20 bộ phim truyền hình và 6 bộ phim điện ảnh Thái Lan. Chẳng những thế mà siêu mẫu Thái Lan thể hiện rõ “bản lĩnh” của mình khi được mời làm HLV trong 3 mùa liên tiếp của The Face Thái Lan.
Truyền hình thế giới không thiếu vai “chị đại” và hầu hết đó đều là những tên tuổi khiến người ta phải gật gù công nhận về tài năng cũng như tuổi nghề và cá tính khi làm host (cầm trịch một chương trình) nổi tiếng. Điển hình là Tyra Bank của Next Top Model phiên bản Mỹ hay Naomi Campbell “cáu kỉnh” của The Face bản Mỹ.
Và ở nước ngoài, chuyện sắm vai “chị đại” có tiêu chí đánh giá được định lượng rõ ràng: Bao nhiêu giải thưởng, những giải nào, bao nhiêu năm trong nghề, cá tính… mới được ngồi vào vị trí giám khảo.
Tuyệt nhiên không có chuyện chỉ đánh giá định tính như truyền thông Việt: Đang gây chú ý, đang có chút ồn ào, đang bị soi mói, đang có hiệu ứng truyền thông… Bất kể già trẻ, lớn bé, mới vào nghề hoặc ngoài nghề đều có thể ngồi vị trí giám khảo. Và đều có thể trở thành “chị đại”.
Thực thế ở các chương trình truyền hình Việt, ai cũng có thể ngồi ghế giám khảo, nhưng để sắm vai “chị đại” tất nhiên cũng không dễ dàng gì. Nếu Giọng hát Việt trẻ hóa đội ngũ HLV, giữa ba cái tên trẻ không thể trẻ hơn là: Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, tất nhiên không ai hợp vai “chị đại” hơn Thu Minh.
Thu Minh không ngồi vị trí chính giữa cũng là “chị đại”, vì sao? Có kinh nghiệm quá nhiều năm làm giám khảo các cuộc thi ca hát danh tiếng, tuổi đời, tuổi nghề đều vượt trội và hơn cả là… thí sinh của cô đã là quán quân. Thầy giỏi có trò hay, hoặc trò chưa hay có thầy giỏi nên trò dần sẽ hay.
Nhưng đấy là trường hợp bộ tứ giám khảo có một người trội hẳn lên. Trong trường hợp cả ban bệ giám khảo đều sàn sàn và chưa có ai thật nổi bật như The Face mùa 2, thì muốn được làm “chị đại” ư? Không dễ đâu!
The Face công bố dàn HLV với ba cái tên: Hoàng Thùy, Minh Tú, Lan Khuê… đều chưa cho thấy sức thuyết phục. Lan Khuê có kinh nghiệm dẫn dắt thí sinh từ mùa 1, nhưng hoạt động nghề nghiệp trong nước chưa mấy nổi trội.
Hoàng Thùy có kinh nghiệm catwalk quốc tế, nhưng là thí sinh mới bước ra từ Vietnam’s Next Top Model chưa lâu – một cuộc thi vẫn nhận mình có tiêu chí tìm kiếm người mẫu khác The Face, chưa từng có kinh nghiệm ở vai trò giám khảo.
Minh Tú mới trở về từ Next Top Model châu Á, được dự đoán xếp ngôi Á quân, nhưng cả tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm đều chưa đủ thuyết phục. Vậy ai trong ba người ấy xứng đáng có được vai “chị đại”. Câu trả lời là… đang tranh giành.
Lan Khuê tự tin mình có kinh nghiệm huấn luyện thí sinh mùa 1 nên “có vẻ” được chương trình sắp xếp cho vào vai “chị đại” nhưng ngay lập tức bị Minh Tú phản bác: “Muốn đóng vai chị đại, không dễ đâu”. Hoàng Thùy thậm chí còn nói về việc Lan Khuê quá coi trọng vị trí ghế ngồi chính giữa, trong khi hai giám khảo còn lại thì không.
Bởi chính giữa là vị trí giám khảo trung tâm, có được làm “chị đại”, có được ngồi “ghế chị đại” hay không chưa biết, nhưng vị trí chính giữa tất nhiên là trung tâm của chương trình đã.
Thế mới thấy, vị trí ghế giám khảo ngồi vốn chẳng hề dễ dàng, không phải muốn đặt đâu thì đặt, ngồi chính giữa hay ngồi bên cạnh, đôi khi cũng là sự phân biệt “vai vế”, vị trí, sự quan trọng của từng giám khảo là khác nhau.
Nhưng cũng không phải ai cứ có kinh nghiệm, tuổi nghề, được xếp vị trí trung tâm là có thể vào được vai “chị đại”. Trường hợp của Trương Ngọc Ánh làm host Vietnam’s Next Top Model là một ví dụ. Kinh nghiệm, tuổi đời của Trương Ngọc Ánh không đủ sức thuyết phục, nhiều người cho rằng chị đã bỏ nghề quá lâu, chuyển hướng hoạt động quá lâu để có thể vào vai “chị đại” một chương trình về người mẫu với toàn gương mặt đã có kinh nghiệm.
Chiếc ghế “chị đại” không phải cứ tranh giành là có, hoặc cố thể hiện cho đúng là “chị đại” mà được công nhận. Hữu xạ tự nhiên hương, nếu có đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm, tuổi đời, quyền lực, cá tính riêng thì… không tranh cũng được gọi là “chị đại”, còn nếu chưa đủ, thì vị trí cái ghế ở đâu, hoặc có thể hiện mấy cũng khó được công nhận.
Bởi suy cho cùng, danh xưng ấy được “khán giả” ưu ái đặt cho, phải là chính khán giả công nhận tài năng và vị trí ấy thì “ghế chị đại” mới có giá trị, còn lại, đều là phù phiếm mà thôi.
Vi Giáng / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại