Cổng làng - nét xưa nép mình trong phố thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững chiếc cổng làng là cội nguồn của văn hóa Hà Nội. Ảnh: Triệu Tâm |
Sự tích chiếc cổng làng
Ngày nay, dọc theo trục đường Thụy Khuê theo thứ tự là các làng Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu và Thụy Khuê. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, đây là con phố hiếm hoi của Hà Nội còn giữ lại những nét cổ, văn hóa truyền thống. Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê có kiểu thiết kế vuông vức, xưa có 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này.
Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, cổng được trùng tu vào năm 1998 song vẫn giữ lại hình dáng cổ với mái ngói ta. Ở cổng Hầu có đôi câu đối: Tô Thủy tuần hoàn văn phái viễn/Lý thành tả trĩ bút phong cao.
Ngoài những cổng làng đặc biệt nêu trên, Hà Nội còn hàng trăm cổng làng khác cũng rất đẹp và mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng mỗi làng quê, lối phố. Những cổng làng ấy đã làm nên một bộ mặt, hồn bóng mỗi quê hương trên đất Hà Thành.
Theo Tiến sĩ của Vũ Thị Thu Hà, người từng làm luận án tiến sĩ với đề tài “Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” thì: “Cổng làng là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, có vai trò và chức năng thể hiện khát vọng, ước mơ người dân trong làng. Ngoài sự tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của con người thì cổng làng còn là vách ngăn, một thứ phân tầng của xã hội Việt Nam. Nó là sự phân định giữa bên trong và bên ngoài”... Như vậy, cổng làng là một bộ phận đặc trưng để nhận diện của làng này so với làng khác, cũng là một phần hồn cốt không thể tách rời của ngôi làng ấy.
Rồi cả cơn lốc đô thị hóa, quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng ngày nay còn sót lại phải chen chúc, o ép với những kiến trúc đủ hình đủ dạng xung quanh. Điều này khiến chúng ta thấy cần phải "có trách nhiệm" với những tác phẩm kiến trúc đặc biệt này.
Bảo tồn, phát huy giá trị?
Đứng ở góc độ kiến trúc không thể tách rời văn hóa, nhất là một nơi ngàn năm văn hiến như Hà Nội, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đưa ra nhận định: “Để bảo tồn được kiến trúc của những cổng làng cổ, các nhà hoạt động văn hóa, nhà quy hoạch nên có một định hướng, bàn bạc với những nhà kiến trúc xem cái gì nên giữ và giữ bằng cách nào bởi văn hóa là vô giá”.
Đồng quan điểm nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, để những chiếc cổng này còn mãi với thời gian thì phải phát huy tôn vinh những giá trị phi vật thể của nó. Ví dụ, bước chân vào cổng làng tức là được vào thế giới của làng ấy, có thần linh thổ địa bảo vệ, phù hộ độ trì và trông coi chủ quyền lãnh thổ của mình. Bên ngoài cổng là thế giới của ma khác nhau như ma cánh đồng, ma thiên hạ. Vì thế xưa kia, người chết ở bên ngoài không được mang vào làng. Cổng có giá trị ngăn cách. Người chết trong làng, đưa ra khỏi làng cũng dừng lại ở cổng để chào làng lần cuối.
Một đô thị như Hà Nội, có lịch sử ngàn năm hình thành và phát triển, cổng làng không những là dấu tích mà còn là điểm nhấn của đô thị lâu đời, là nét đẹp để chúng ta nhìn thấy thành phố với kiến trúc đa dạng, phong phú và tầng sâu văn hóa.
Bây giờ, chức năng quy định mốc không gian trong và ngoài làng không còn. Ngày xưa người ta quy định người ngụ cư phải ở ngoài cổng làng. Làng xóm bây giờ xen kẽ các vùng đô thị mới, nhất là ở các vùng ven đô Hà Nội, chúng ta không còn có sự rạch ròi về không gian được nữa.
Thực tế, những chiếc cổng làng không chỉ là chiếc cổng đơn lẻ mà nó luôn đi cùng với hệ thống cây cổ thụ, mặt nước, con đường, công trình như đình chùa miếu mạo, kiến trúc đẹp của vùng đất ấy, tạo thành chuỗi di sản…
Điều này có tác dụng lớn trong việc làm giàu khung cảnh đô thị, giúp người dân gắn bó hơn với không gian mình sinh sống, tạo dấu ấn làng xã mới trong thời buổi hiện đại. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bảo tồn, giữ gìn hay xây mới cổng làng còn có giá trị lớn trong việc mở ra các điểm tham quan du lịch, khai thác tiềm năng văn hóa Hà Nội.
Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang thực hiện, cổng làng cũng là một phần trong những nét văn hóa rất đặc sắc của Hà Nội. Đây vừa là vật chứng sống, vừa là công trình có giá trị thẩm mỹ cao, là nét lưu dấu của phố phường, làng xã Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Đây chính là điểm nhấn để du khách tận hưởng những vẻ đẹp không nhiều còn sót lại của cả ngàn năm hình thành và phát triển mảnh đất Kinh kỳ.
Cổng làng Hà Nội là công trình mang dấu ấn, bản sắc văn hóa, hồn thiêng và là niềm tự hào đối với mỗi người dân quê hương. Cổng làng, một công trình khắc ghi bao nét tài hoa, cao sang và thịnh vượng của làng mà biết bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng để lại cho con cháu. Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cháu con hôm nay cần giữ gìn để cổng làng - một di sản văn hóa, một dấu ấn thiêng liêng, một hồn quê sâu nặng đã gắn bó bao đời với quê hương được trường tồn và phát triển.
Nếu việc bảo tồn, giữ gìn, phục dựng, phát huy được thực hiện tốt sẽ thêm phần phát triển dịch vụ du lịch cho địa phương, tăng tính kết nối vùng, điểm du lịch, tạo nên những tiềm năng rất lớn. Từ đó, cổng làng tiếp tục hòa vào dòng chảy hiện đại và phát huy giá trị Hà Nội ngàn năm văn hiến.
KTS Nguyễn Địch Long - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người có nhiều nghiên cứu về cổng làng cho hay: Hà Nội từ 5 cửa ô nối đến những làng cận đô thành mạng lưới giao thông dày đặc, ở đó đã tồn tại gần 300 cổng làng Việt cổ. Số cổng làng tuy đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai nhưng Hà Nội vẫn đứng đầu so với các tỉnh, thành trong khắp cả nước, trong số đó, rất nhiều cổng đã tồn tại trên 100 năm, mang trong mình giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt. |
Những thay đổi trong nét văn hóa Tết | |
Nhân rộng nét văn hóa Tràng An | |
Chạp mộ - phong tục lưu giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại