Thứ sáu 26/04/2024 17:15

Công an Hà Nội cảnh báo chiêu trò chuyển khoản nhầm rồi ép trả lãi suất cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã hơn 1 năm không sử dụng đến số tài khoản của Ngân hàng nọ, bỗng mới đây, chị N.T.L (Hai Bà Trưng) bỗng thấy có người chuyển cho chị một số tiền lớn mà không ghi chú bất cứ lý do gì. Rất thắc mắc chị đã hỏi bạn bè, sau đó chị được biết, đây là một chiêu trò của các đối tượng lừa đảo.
Công an Hà Nội cảnh báo chiêu trò chuyển khoản nhầm rồi ép trả lãi suất cao
Cảnh giác nếu tài khoản bỗng dưng... nhận được tiền

Tài khoản không sử dụng bỗng dưng... có tiền

Theo đó, chị N. cho biết: “Trước do có nhu cầu vay vốn làm ăn nên em có mở một tài khoản ở ngân hàng không thường dùng. Sau đó vì không giao dịch bằng tài khoản đó nên em cũng bẵng quên đi cả năm trời. Nhưng ngày hôm qua bỗng dưng em được thông báo có người chuyển vào tài khoản đó số tiền 30 triệu mà không ghi chú lý do, cũng không biết người gửi. Em chờ hết một ngày cũng không thấy cuộc gọi nào đến… đòi tiền" – chị N. nói.

Khi hỏi bạn bè, chị được bạn bè nói cho biết, đây là một chiêu thức của các đối tượng lừa đảo. Theo các bạn chị N., các đối tượng sẽ thường làm như sau: bỗng dưng chuyển một số tiền khoảng từ 20 – 30 triệu vào một tài khoản, sau đó sẽ thông báo người sở hữu số tài khoản đó là đã giải ngân khoản vay của họ, đồng thời yêu cầu người nhận tiền chuyển trả tiền với lãi suất cắt cổ. Như vậy, bỗng dưng vì nhận được tiền mà chị N. có thể trở thành con nợ của các đối tượng lừa đảo cho vay nặng lãi.

Trước đó, chị T.T.N (Gia Lâm) cũng nhận được số tiền 30 triệu với nội dung: “Em Lan chuyển trả tiền hàng”. Chị N. rất thắc mắc bởi đúng là chị có một khách hàng tên Lan, tuy nhiên vị khách hàng này thường thanh toán ngay sau khi đã nhận hàng nên việc chuyển trả tiền sẽ không có. “Tôi vẫn nghĩ có thể vị khách hàng này chuyển nhầm cho chủ hàng khác. Tuy nhiên đến buổi chiều, tôi nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là chồng của Lan, anh ta cho biết anh ta chuyển nhầm tiền sang tài khoản của tôi” – chị N. kể.

Vốn tính đa nghi, chị N. không vội tin lời của người đàn ông nọ, chị yêu cầu được nói chuyện với khách hàng tên Lan của chị. Nhưng người đàn ông kiên quyết không đồng ý, chị N. tiếp tục yêu cầu nếu thực sự nhầm thì chụp cho chị số phiếu chuyển tiền nếu chuyển tại ngân hàng, hoặc chụp báo cáo chuyển khoản nếu chuyển từ tài khoản online. Tuy nhiên đối tượng vẫn không hợp tác, thậm chí còn đe dọa chị sẽ tố cáo chị chiếm tiền bất hợp pháp. Thấy không ổn, chị N. liền điện báo với CA xã nơi chị đang ở, chị được hướng dẫn lên trụ sở CA làm đơn trình báo và bảo lưu số tiền đã nhận trong tài khoản.

Sau đó chị được biết, đây cũng là một chiêu trò lừa đảo mà nhiều người mắc phải. “May mắn tôi không tham, chứ nếu tham biết đâu đã trở thành con nợ hoặc phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản mất rồi” – chị nói.

Cũng có trường hợp có người “bỗng dưng” nhận được một số tiền nhỏ, sau đó có người gọi điện nhờ chuyển lại vì chuyển nhầm. Đối tượng nói đối tượng đang ở nước ngoài và nhờ người nhận đăng nhập dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi làm theo, thường số tiền có trong tài khoản của người nhận cũng theo đó mà… bay.

Về vấn đề này, đại diện của một ngân hàng đã cho biết, mỗi năm hệ thống ghi nhận hàng trăm lượt khách hàng đề nghị tra soát giao dịch do chuyển nhầm vào hệ thống của ngân hàng này. Điều này có nghĩa hàng trăm chủ tài khoản bỗng dưng nhận được tiền. Tuy nhiên, việc tiền đã chuyển thì ngân hàng không thể tự ý can thiệp nếu không có sự đồng ý của chủ tài khoản nhận hoặc của người chuyển. Vậy nên thường khi nhận được tiền về tài khoản không rõ lý do, người nhận được tiền nên chủ động thông báo với cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết.

Không tự ý chuyển hoàn cho người lạ nếu không có bên thứ ba làm chứng

Về câu chuyện này, mới đây, Công an Thành phố Hà Nội đã ra khuyến cáo, người dân khi gặp tình huống đó không tự ý chuyển hoàn cho người lạ nếu không có bên thứ ba làm chứng.

Theo đó, việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp. Còn nếu đúng hạn trả nợ, chủ tài khoản đã chuyển nhầm tiền xuất hiện và yêu cầu bên nhận thanh toán thì họ cũng khó có thể từ chối vì thông tin chuyển khoản đã lưu trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng.

Theo điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho UBND hoặc Công an cấp xã, phường nơi gần nhất nhằm thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.

Vì vậy, theo Công an Thành phố Hà Nội, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình thì không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.

Nếu là khoản tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Còn đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh. Hoặc người dân cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.

Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, bạn cần kiểm tra xem đó có đúng là số của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Đặc biệt, không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả họ có tự xưng là bạn bè nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động