Còn ai thương nhớ cơm nắm muối vừng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày xưa, cơm nắm muối vừng hiện hữu trong hành trang của những người có việc phải đi xa. Sau này, món ăn trở thành quà sáng tại mảnh đất Hà thành. Không chỉ là quà sáng, người Hà Nội còn thưởng thức cơm nắm muối vừng vào những khi “nhỡ bữa”.
Chỉ cần ra phố đợi một lát, ta sẽ thấy chị bán hàng đi ngang qua cất tiếng rao lảnh lót: “Cơm nắm muối vừng, bánh chưng, bánh dày đâyyyy....”. Nắm cơm trắng nõn gói trong lớp lá chuối xanh ngắt, chị bán hàng cẩn thận dùng con dao nhỏ xinh cắt thành từng lát mỏng vừa ăn. Khi chị mở lọ muối vừng vàng ươm để rắc vào nắm cơm, ta cảm nhận hương thơm dậy lên của những hạt vừng, hạt lạc được rang vừa đến độ. Chấm miếng cơm vào chút muối vừng, đưa lên miệng, ta cảm nhận sự dẻo thơm thanh mát của những hạt gạo quyện với vị bùi béo của lạc, thơm ngậy của vừng, mằn mặn của muối trắng rang kỹ... Tất cả tạo nên một hương vị thật độc đáo riêng có. Đôi khi, người Hà Nội còn ăn kèm cơm nắm với chả mỡ, giò bò, ruốc bông. Nhưng có lẽ, cơm nắm chỉ dành cho muối vừng bởi hợp vị nhau đến lạ.
Ảnh tư liệu |
Cơm nắm muối vừng cứ ngỡ là một món ăn được chế biến đơn giản, nhưng thực ra lại rất “công phu” nhé. Gạo để làm món này thường được xát 2 lần sao cho trắng mịn, sau đó lọc hết những hạt vỡ, chỉ giữ lại hạt nào thật mẩy, thật tròn để nắm cơm bóng mịn, rõ từng hạt gạo không bị vỡ nát. Theo kinh nghiệm, cơm nắm được nấu bằng bếp củi sẽ thơm ngon hơn cả. Người nấu phải đảo cơm thật đều như múa, sao cho đầu đũa chạm đáy nồi, cạnh đũa khuấy gọn thành nồi để cơm dẻo, không bị nhiều cháy. Cơm ngon hay không còn phụ thuộc vào thời gian canh lửa để ủ rơm quanh nồi, giúp cho cơm chín đều, không quánh, không nhão. Khi cơm chín, ta lấy lượng cơm vừa phải, bọc trong khăn sạch đã được nhúng ẩm rồi nắm nhanh và đều tay. Sau khi nắm xong, ta hong quạt cho cơm nguội hẳn là ăn được.
Không cầu kỳ như những món ăn sang trọng, nhưng muối vừng quá đỗi thân quen với người Việt. Hạt vừng, hạt lạc phơi khô dưới nắng hạ, rồi được các bà các mẹ cất vào một góc nào đó trong căn bếp. Ngày mưa lạnh, cả nhà cùng quây quần bóc lạc. Chọn những hạt vừng, hạt lạc thật mẩy, các bà các mẹ rang đều tay trên lửa nhỏ liu riu cho đến khi hương thơm dậy lên, hạt vừng bắt đầu ngả sang màu vàng sẫm, nổ tí tách, hạt lạc ngả nâu bong vỏ là đúng độ. Theo kinh nghiệm, hạt vừng giã càng nhỏ càng ngon, hạt lạc chỉ cần giã “dối” là được. Muối trắng rang khô, giã thật nhỏ, trộn lẫn vào. Bát muối vừng mới giã xong, hương thơm lan sang cả nhà hàng xóm.
Cơm nắm muối vừng vẫn là món ăn được các bà các mẹ thi thoảng làm vào những ngày rảnh rỗi. Phần lớn, mọi người thường gọi mua của những hàng bán rong trên phố. Nếu đi dọc phố Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh, ta có thể bắt gặp khá nhiều hàng cơm nắm muối vừng. Nghe đâu, có một làng chuyên làm món này mãi tận bên Hưng Yên đưa sang.
Năm tháng trôi, ta chẳng thể nào quên tiếng chày thậm thịch giã vừng, lạc ngày mưa lạnh và món cơm nắm muối vừng của mẹ. Đôi khi, ký ức dội về câu hỏi: “Còn ai thương nhớ hương vị cơm nắm muối vừng?”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại