Thứ năm 28/03/2024 23:50

Chuyện tình của cô giáo Hà thành trên mảnh đất biên cương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mường Nhé hôm nay đã chuyển mình với những cung đường đẹp đến nao lòng khi mùa xuân đến. Nơi đây không còn là mảnh đất heo hút gió ngàn, nghèo khó và đói khổ. Giờ đây, Mường Nhé được tô thắm bởi thanh xuân đã qua của các thầy cô giáo nơi đây.
Vợ chồng cô Thắm thầy Xuân
Vợ chồng cô Thắm thầy Xuân.

Tây Bắc mỗi độ xuân về, cái rét dường như ngọt hơn. Uốn lượn theo triền núi quanh năm sương trắng phủ mờ, thấp thoáng giữa những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì nằm cheo leo trên những đỉnh núi là những điểm trường với lá cờ Tổ quốc tô thắm biên cương và tiếng ê a của học trò trên lớp.

Những địa danh như Mường Toong, Sín Thầu, Huổi Lếch, Pá Mỳ… gợi nhớ về những câu chuyện cảm động của các thầy cô vượt núi lên non gieo chữ.

Nhìn Mường Nhé đổi thay hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của ngành giáo dục, đã có biết bao thầy, cô giáo dành cả tuổi thanh xuân, miệt mài “gánh” con chữ đến với con em bản mường.

Thầy giáo Tòng Văn Xuân trên lớp
Thầy giáo Tòng Văn Xuân trên lớp.

Bỏ phố thị lên núi gieo chữ

Cho đến bây giờ, sau hơn 10 năm quyết định rời bỏ phồn hoa đô thị lên Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) làm cô giáo vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1982, tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn cho rằng đó là quyết định đúng đắn nhất.

Dù phải thực hiện ước mơ “gieo chữ”, “trồng người” trong gian khó, thiếu thốn đủ bề nhưng cô Thắm của đất Hà thành lại tìm được hạnh phúc của đời mình.

“Nhiều lúc cứ nghĩ, tất cả như một giấc mơ chưa qua, khi những ngày đầu tôi đặt chân lên mảnh đất Mường Nhé này”, cô giáo Thắm bắt đầu câu chuyện ngược non gieo chữ của mình.

So với các đồng nghiệp, cô giáo Thắm bước vào nghề khi ở tuổi khá lớn khi năm 2009 cô mới bắt đầu nhận công tác tại Mường Nhé.

Trước đó, tốt nghiệp THPT thông từ năm 2000, nhà vất vả, đông anh em, cô Thắm phải vào tận Lâm Đồng để làm việc, rồi lại xuôi xuống Linh Trung (Thủ Đức, TP HCM) để đi làm công nhân.

Những tưởng cuộc sống của cô Thắm sẽ gắn bó với thị thành, thế nhưng, làm cô giáo vùng cao là ước mơ từ nhỏ, nên những ngày làm công nhân, cô Thắm vẫn âm thầm nghĩ về một ngày mình sẽ đứng trên bục giảng. Nghĩ là vậy, nhưng thực tế cuộc sống vất vả chưa thể cho cô Thắm thực hiện ước mơ.

Năm 2007, được sự động viên của gia đình, cô Thắm quyết tâm bỏ lại công việc ở TP HCM, về học tại CĐ Sư phạm Hà Tây (Thường Tín – Hà Nội).

“Mẹ ơi, nếu con học sư phạm, mẹ cho con đi vùng cao làm cô giáo mẹ nhé”, cô Thắm kể về lời tâm sự đầu tiên với mẹ khi quyết định quay lại giảng đường để thực hiện ước mơ.

Sau những năm miệt mài trên giảng đường, năm 2009, khi đó đã 27 tuổi, những người bạn cùng trang lứa đã yên bề gia thất, cô Thắm vẫn một mình ngược sơn “gieo chữ” với niềm tin duy nhất mình sẽ đem đến những hi vọng cho học trò vùng khó.

Hành trình đến với Mường Nhé của cô Thắm cũng trở thành ký ức mãi không phai khi nơi cô Thắm đến là xã Mường Toong lúc 3h sáng và quãng đường di chuyển gần 200km bằng…xe máy.

Khi có dịp ra lại Điện Biên, cô Thắm mới giật mình vì quãng đường đi quá vất vả và nguy hiểm.

Về Huổi Lếch (ngày ấy vẫn thuộc xã Mường Toong) cô Thắm bỗng dưng trở thành… người độc thân lớn tuổi nhất trường. Khi đã ngấp nghé tuổi 30, cô Thắm vẫn chưa tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Trùng điệp núi của Huổi Lếch
Trùng điệp núi của Huổi Lếch

Hạnh phúc là sự tình cờ của số phận

“Có lẽ cuộc sống là sự sắp đặt tình cờ của số phận”, cô Thắm kể về hạnh phúc của mình nơi phên dậu Tổ quốc.

Năm 2012, đơn vị trường nhận thêm giáo viên mới, ngoài những giáo viên trẻ hơn cô Thắm nhiều tuổi, có anh thầy giáo Tòng Văn Xuân (SN 1983, người dân tộc Thái) đến từ Sơn La cũng trạc tuổi cô Thắm và còn độc thân.

Thầy giáo Tòng Văn Xuân cũng có hành trình đến với thầy giáo vùng cao đầy trắc trở khi có hoàn cảnh rất đặc biệt: là con út trong gia đình có 6 chị em. Ngay từ nhỏ, thầy Xuân đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh em đùm bọc nuôi nhau khôn lớn.

Dù chỉ anh em nuôi nhau, nhưng các anh chị của thầy Xuân không để cho cậu em út thất học. Thầy Xuân là người duy nhất được học hết THPT trong số 6 anh em. Cũng như cô Thắm, thầy Xuân từ nhỏ đã có ước mơ trở thành thầy giáo.

Học xong THPT, thầy Xuân cũng đi làm đủ nghề từ Sơn La xuống Hà Nội, với mục đích tích cóp tiền để đi học. Năm 2010, thầy Xuân mới bắt đầu xuống tận Hải Dương để học CĐ Sư phạm Hải Dương.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch nơi cô Thắm, thầy Xuân công tác
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch nơi cô Thắm, thầy Xuân công tác

Vừa học vừa làm, nơi đất khách quê người, thầy Xuân kể, phải chắt bóp từng đồng chi tiêu, làm sao không để mình đói và không phải xin tiền các anh, các chị. Bởi các anh, các chị đều làm ruộng, tiền nuôi các cháu không đủ.

Khi ra trường, thầy Xuân xác định luôn sẽ thành thầy giáo vùng cao. “Mình cũng ở vùng cao rồi, nghĩ đi vùng cao cũng không có gì khó khăn. Nhưng khi lên đến Mường Nhé đặc biệt là vào Huổi Lếch này mới thấy bà con còn khổ hơn cả mình”, thầy Xuân cho biết.

Khi được hỏi, vào nghề lớn tuổi thế, thầy có sợ “ế” không, thầy Xuân chỉ cười nói… “lúc ấy cũng không xác định sẽ lấy được vợ đâu”…

Cô Thắm và thầy Xuân đều bảo, có lẽ hạnh phúc là sự sắp đặt tình cơ của số phận. Được sự tác thành của bạn bè, đồng nghiệp… Hai trái tim đồng điệu của cô giáo Thắm và thầy giáo Xuân đã đến với nhau. Một buổi báo hỉ vui nhất trường ở Huổi Lếch đã được diễn ra.

Khi được hỏi về dự định tương lai, cả cô Thắm và thầy Xuân đều cho biết, họ sẽ gắn bó với mảnh đất phên dậu này đến khi về hưu.

“Cuộc sống những ngày gian khó nhất đã qua, dẫu vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi xác định Mường Nhé sẽ là nơi hạnh phúc và cùng chung sức đóng góp cho ngành giáo dục vùng khó. Chúng tôi tin là cách em có cuộc sống tốt hơn nhờ con chữ”, cô giáo Thắm chia sẻ.

Niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng
Hoàng Quỳnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động