Thứ bảy 08/02/2025 05:13

Chuyện chưa biết về vị thẩm phán : “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phía sau những bản án công minh, đem lại phán quyết công bằng là sự cống hiến âm thầm của những vị thẩm phán. Lần đầu chia sẻ về chuyện nghề, thẩm phán, Chánh án TAND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Tuấn bật mí về lý, tình trong hậu trường pháp đình.

Ông có thể chia sẻ những mặt đã làm được trong năm 2018 của TAND huyện Chương Mỹ và bí quyết thành công?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2018, TAND huyện Chương Mỹ giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại đạt 100%. Các thẩm phán đã nỗ lực trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ chính xác nên việc xét xử, giải quyết các vụ án cơ bản đạt chất lượng tốt, áp dụng đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo đường lối cũng như thời hạn xét xử; không có án bị hủy do lỗi chủ quan, không có trường hợp nào cho án treo, cải tạo không giam giữ không đúng pháp luật, không có án quá hạn, tạm đình chỉ không có căn cứ. Đáng nói, quá trình giải quyết vụ án, các thẩm phán tăng cường công tác hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận, góp phần đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Kết quả hòa giả thành các vụ án để ra quyết định công nhận sự thỏa thuận hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự rút đơn đạt tỷ lệ 83% (506/615 vụ việc).

Để có kết quả trên, lãnh đạo đơn vị luôn nắm nội dung, tiến độ giải quyết của từng vụ án. Đối với các vụ án phức tạp, thu thập chứng cứ khó khăn, các vụ án điểm, dư luận quan tâm hoặc các vụ án thụ lý đã được 1/2 thời gian, chuẩn bị xét xử thì tập thể lãnh đạo cùng thẩm phán trao đổi, bàn bạc, đề ra biện pháp thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ấn định thời gian phải hoàn thành từng giai đoạn giải quyết vụ án.

chuyen chua biet ve vi tham phan phung cong thu phap chi cong vo tu
Chánh án Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ về chuyện nghề.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, TAND huyện Chương Mỹ đã triển khai đến đâu, có tạo được chuyển biến không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, Ban lãnh đạo TAND huyện Chương Mỹ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. TAND huyện Chương Mỹ phấn đấu xây dựng được đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ tòa án mẫu mực, chí công, vô tư.

Mọi công dân khi có công việc liên quan tới tòa án đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất theo tinh thần “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Các thẩm phán, thư ký khi làm việc với đương sự đều thực hiện đúng 10 nguyên tắc ứng xử của cán bộ tòa án. Trong năm 2018, công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án. Trong công tác tiếp công dân, tòa lựa chọn cán bộ có năng lực và tiếp công dân khéo. Phải nắm được đúng thẩm quyền để có thể giải thích về pháp luật, hướng dẫn cho nhân dân. Cán bộ này được tòa bố trí trực tất cả các ngày làm việc, để nhân dân không phải đi lại nhiều lần, tránh phiền hà. Phiếu nhận đơn được ghi chép rõ ràng, rành mạch và thông báo kết quả xử lý đơn. Đây là một trong những bước cải cách tư pháp của TAND huyện Chương Mỹ. Do đó, khâu tiếp nhận và giải quyết đơn luôn đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và đúng quy định của pháp luật. Năm 2018, tòa không có đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp.

PV: TAND huyện Chương Mỹ cùng 15 đơn vị khác của Hà Nội thực hiện thí điểm thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại, ông đánh giá như nào về điểm mới này?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân. Do đó, việc thí điểm là chủ trương đúng đắn, rất tốt. Ở nước ngoài mô hình này thực hiện thành công. Qua 1 tháng thực hiện tại TAND huyện Chương Mỹ, chúng tôi ghi nhận những kết quả bước đầu. Trong tháng, có gần 20 đơn hòa giải thành. Đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên được tòa lựa chọn kỹ, là những người có năng lực và trách nhiệm nên chắc chắn thời gian tới, hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa.

Ông có thể kể về kỷ niệm nghề mà ông ấn tượng nhất?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 1990, tôi bắt đầu theo nghề và từng công tác 6 năm tại TAND tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1996, tôi được bổ nhiệm làm thẩm phán và nay, đã 28 năm công tác trong ngành tòa án. Ấn tượng nghề của tôi có thể nhắc đến vụ án xảy ra năm 1999 và được xét xử sơ thẩm năm 2004. Khi đó, tôi là thẩm phán của TAND tỉnh Hà Tây (cũ). Vụ án Tạ Phúc Cơ, SN 1959, cựu GĐ Cty XNK Hà Tây cùng 42 bị cáo khác có hành vi lập hồ sơ giả để hoàn thuế GTGT. Để tiếp nhận hồ sơ vụ án từ VKSND sang tòa, TAND phải huy động 20 thư ký, vận chuyển bằng xe ô tô, mất 4 ngày. Bút lục của vụ án chất kín căn phòng 20m2. Vụ án này đặc biệt ở chỗ, khi ấy, hành vi của các bị cáo là mới, đối tượng lại ở khắp các địa bàn trên cả nước. Thời gian mở phiên tòa cũng lập kỷ lục với quá trình xét xử 45 ngày. Được giao là chủ tọa phiên tòa, tôi đã mất cả tháng nghiên cứu hồ sơ, nhiều đêm đọc các bút lục đến sáng. Để có thể nắm bắt toàn diện và dễ khai thác tại tòa, tôi đã lập biểu mẫu, sơ đồ. Sau đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ hồ sơ và thẩm vấn tại tòa, tôi đã tuyên bị cáo mức án cao nhất là 15 năm tù. Tham gia tố tụng vụ án này, HĐXX đã rất vất vả vì áp lực thời gian cũng như xác định hành vi của các bị cáo với một phương thức phạm tội mới. Đây là vụ án mẫu, án điểm, được dư luận toàn quốc khi đó đặc biệt quan tâm. Sau phán quyết của HĐXX mà tôi là chủ tọa, các bị cáo có kháng cáo nhưng HĐXX phúc thẩm của TAND TC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm. Bản án này được tôi đóng quyển lưu giữ và để trao đổi nghiệp vụ với các thẩm phán kế cận.

Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!

TAND huyện Chương Mỹ được nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua, Cờ thi đua Chính phủ, Cờ thi đua ngành TAND, Bằng khen của UBND TP Hà Nội, Bằng khen của Chánh án TAND TC. Riêng Thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn là 1 trong 3 thẩm phán của Hà Nội (toàn quốc có 18 thẩm phán) được đề cử thẩm phán tiêu biểu năm 2018. Ông cũng là Người tốt, việc tốt tiêu biểu của Hà Nội, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua TAND…
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động