Chủ động nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác DN phân phối ở Hà Nội cam kết bảo đảm được lượng hàng dự trữ, đủ sức chi phối thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến. Ảnh: Minh Phong |
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục dần nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các DN sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Năm nay, dù ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19 nhưng nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các DN, tổng Cty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường hằng ngày, các DN sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng nhập để đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân và hạn chế chi phí hủy hàng tươi sống do cung vượt cầu.
Theo Bộ Công thương, để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đã khuyến khích các DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý...
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa các DN đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng. Con số này gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu (kế hoạch 5.600 tỷ đồng).
Mặt khác, TP Hà Nội cũng chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).
Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...
Đơn cử, hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ đã lên kế hoạch tăng từ 40-50% lượng hàng hóa cung ứng, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết. Năm nay, hệ thống VinMart còn chú trọng khai thác các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh, TP trong cả nước để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân trong dịp Tết, các DN tiếp tục duy trì, thực hiện Phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid -19. Các DN đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, TP, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dự kiến sức mua những tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại