Chống người thi hành công vụ với mức độ nghiêm trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Phạm Minh Tân tại CQĐT |
Ngày 12/9, CA quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã bắt giữ, tiếp tục lấy lời khai đối tượng Phạm Minh Tân, SN 2001, trú tổ 5 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và bạn gái T.H.V.N, SN 2006, quê quán Quảng Ngãi, tạm trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Trước đó, khoảng 22h ngày 11/9, tổ C3 lực lượng 911 CA TP Đà Nẵng tổ chức tuần tra, kiểm soát tại trước số nhà 118 Đống Đa, quận Hải Châu.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, trung uý Trần Quốc Thịnh, cán bộ Đội CSGT CA quận Hải Châu, phát hiện 1 đôi nam nữ điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ nên ra hiệu dừng phương tiện kiểm tra.
Tuy nhiên khi đến gần, 2 đối tượng không chấp hành mà tăng ga, tông thẳng vào người khiến trung úy Trần Quốc Thịnh ngã xuống đường rồi nhanh chóng bỏ chạy. Sau đó, trung úy Thịnh được đưa đi cấp cứu, bị gãy xương chân và phải mổ cấp cứu.
Ngay trong đêm, các lực lượng đã phối hợp, truy xét đã bắt giữ được Phạm Minh Tân và đối tượng nữ đi cùng. Tại CQĐT, Tân khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Theo đó, Tân nhận ra hiệu lệnh dừng xe của lực lượng, tuy nhiên vì bản thân cũng như người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm nên quyết định bỏ chạy rồi tông thẳng vào trung uý Thịnh.
Sau khi thấy trung uý Thịnh ngã nằm xuống đường, Tân cùng bạn gái quay lại nhìn xong rồi tiếp tục tăng ga bỏ chạy.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của nam thanh niên trên là rất táo tợn, nguy hiểm, có dấu hiệu tội phạm bởi vậy CQĐT sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vị luật sư cho biết, trường hợp chống người thi hành công vụ với mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Chống người thi hành công vụ" tại Điều 330 BLHS 2015.
Cụ thể, điều luật quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Và sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu người vi phạm có sự bàn bạc trước, cấu kết có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội hoặc dùng thủ đoạn khác… để thực hiện tội phạm nhằm chống đối người thi hành công vụ (khoản 2).
Ngoài ra, theo luật sư Nguyên, nếu chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2022/NĐ-CP.
Theo Điều 21 Nghị định này, tùy từng trường hợp cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tới 16 triệu đồng.
"Như vậy, nếu bị khởi tố và truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, người bị chứng minh có tội sẽ có thể đối mặt với hình phạt nêu trên. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng", luật sư Nguyên thông tin.
Theo chuyên gia pháp lý, trong quá trình điều tra, CQĐT cũng sẽ làm rõ mức độ nhận thức, ý thức chủ quan và hành vi cụ thể của thanh niên này để xác định mục đích gây thương tích hoặc có thể gây thiệt mạng cho nạn nhân (người thi hành công vụ) hay không.
Trong một số tình huống mà CQĐT có căn cứ chứng minh hành vi không chỉ là chống người thi hành công vụ mà là có mục đích tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ hoặc cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ thì sẽ bị xử lý về tội “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích” tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại