Chiêu trò mới của những "cao thủ" trộm cắp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKẻ “vô hình” giữa đám đông
Nếu nhìn bề ngoài, Phạm Tiến Dũng (SN 1975, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) chẳng khác nào một công chức bình thường. Dáng người cân đối, Dũng thường ăn vận lịch sự với quần tây “đóng thùng” áo sơ mi trắng, mái tóc được chải chuốt khá cầu kỳ và khuôn mặt lành khô.
Dù có tới hơn 10 năm kinh nghiệm theo dõi mảng an ninh, đối mặt với không ít những đối tượng trộm cắp, giết người, đâm thuê chém mướn, song khi thấy Dũng ngồi ở phòng trực ban của CAP Trung Hòa, chúng tôi cứ nghĩ là một người dân đến trình báo sự việc nào đó hoặc có chuyện cần đến liên hệ công tác tại trụ sở CAP. Vẻ bề ngoài của Dũng đã hoàn toàn qua mắt được người khác, kể cả những phóng viên kỳ cựu như chúng tôi. Đây cũng là lý do vì sao Dũng đã thực hiện trót lót nhiều vụ trộm cắp tài sản ngay trước mắt nạn nhân.
Là một kẻ khá thông minh, Dũng không dại lần mò đêm hôm chui vào nhà người khác để trộm tài sản. “Bản lĩnh” của một kẻ “có học” được y vận dụng ngay vào chính địa điểm, thời gian cũng như “con mồi” đối tượng chọn để gây án. Và các cổng trường học cùng những phụ huynh đưa đón con em đến trường chính là “miếng mồi” ngon của kẻ khát tiền như Dũng.
Đối tượng Phạm Tiến Dũng ra tay trộm cắp ngay ở những trạm xăng đông người
Hàng sáng, Dũng chọn những bộ quần áo khá tươm tất, sử dụng xe máy đã được gắn biển giả, lượn quanh những cổng trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy. Nhận thấy tâm lý của các bậc phụ huynh là đường đông, không đỗ xe lâu được cũng như sợ con muộn giờ học, Dũng thường đứng ở một góc nào đấy cách cổng trường không xa để quan sát. Khi thấy phụ huynh, nhất là nữ giới đi xe ô tô do vội đưa con vào trường quên không khóa xe lại, Dũng nhanh chân chạy đến mở cửa xe lấy trộm tài sản.
Do chủ xe đều đi ô tô đắt tiền nên những chiếc túi xách mà Dũng trộm cắp được bên trong thường đựng rất nhiều tiền, vật dụng có giá trị. Chỉ cần “ăn” một cú như vậy, Dũng có thể ung dung thoải mái sống vài tháng trời mà không tiêu hết tiền. Nhiều phụ huynh đã bị đối tượng trộm cắp tài sản bằng chiêu thức này.
Khi nhắc đến Phạm Tiến Dũng, Trung tá Nguyễn Xuân Vượng, Trưởng CAP Trung Hòa, Cầu Giấy cũng phải “thán phục” vì khả năng “tàng hình” trước đám đông của y. Kỹ năng trộm cắp ấy còn được phát huy khi Dũng ngang nhiên trộm cắp ở cả những cây xăng tập trung đông người. Nếu như ở các cổng trường, thời gian, khoảng cách và độ an toàn đủ để cho Dũng có thể ra tay thì trái lại, với không gian khá hẹp, thời gian trong tích tắc, số lượng người tập trung đông dễ bị lộ nhưng Dũng vẫn có thể ra tay trộm cắp được.
Chỉ cần vài giây khi người đi xe máy bật nắp cốp xe đổ xăng và quay sang theo dõi kim xăng, giá tiền trên cột xăng, đối tượng đã nhanh tay nẫng ngay tài sản trong cốp xe. Đối tượng như trở nên “vô hình” trước mắt người khác khi thực hiện hành vi trộm cắp. Khi được hỏi “bí kíp” này, Dũng chỉ nói ngắn gọn: “Khả năng tự nhiên, có lẽ do trời sinh”.
Trộm chung cư cũng lắm “chiêu”
Trái ngược hoàn toàn với Phạm Tiến Dũng là đối tượng Phạm Bình Minh (SN 1982, ở Thanh Xuân, Hà Nội). Nếu như Dũng với dáng vẻ bề ngoài như là một công chức mẫn cán, trước khi bị bắt hồ sơ “sạch” khi chưa có tiền án, tiền sự, thì Phạm Bình Minh lại có tới 5 tiền án về trộm cắp tài sản.
Điểm trùng duy nhất của cả hai đối tượng này chính là không bao giờ đi “ăn đêm”. Lọc lõi trong “nghề” trộm cắp nên Minh có quá nhiều kinh nghiệm và thủ đoạn. Minh chọn thời điểm tờ mờ sáng đến những khu chung cư ở khu vực Nam Trung Yên hoặc Trung Hòa để trộm cắp tài sản.
Minh nhận thấy, theo thói quen cũng như nhịp sinh học của con người, khoảng thời gian 4 đến 6h sáng là lúc con người ta ngủ say nhất. Những người còn thức vào thời điểm đó thường là người già, người dậy tập thể dục hay có việc phải ra ngoài. Chọn đúng “thời điểm vàng” này, Phạm Bình Minh đi bộ từ tầng cao nhất của tòa nhà xuống các tầng kế tiếp.
Thấy cửa phòng nhà nào chủ nhà đi chợ, đi tập thể dục quên không khóa cửa, đối tượng lẻn vào nhà trộm cắp tài sản. Đôi khi, Phạm Bình Minh còn lẻn cả vào phòng ngủ khi chủ nhân ngôi nhà vẫn say giấc nồng để trộm cắp điện thoại, ví tiền.
Với môi trường sống khá khép kín, có khi giữa hai gia đình ở cùng tầng của chung cư sát vách nhau cũng chẳng biết nhau. Cái cảnh “đèn nhà ai nhà ấy rạng” giữa các hộ dân sống cùng một chung cư hay một tầng nhà, cũng khiến cho nguy cơ trộm cắp ở các chung cư cũng không kém phần phức tạp.
Gần đây, một số đối tượng lợi dụng các ngày lễ tết, đóng giả là nhân viên điện hoa, nhân viên cung ứng các dịch vụ chuyển quà, mang theo hoa hoặc giỏ quà tặng vào các khoảng thời gian chủ nhà đi vắng và có người giúp việc ở nhà. Các đối tượng nhanh chóng tìm cách chiếm cảm tình và tạo tâm lý chủ quan đối với gia chủ trước khi tìm cơ hội thuận tiện để ra tay trộm cắp.
Thông tin với phóng viên, chỉ huy Đội CSHS CAQ Cầu Giấy đánh giá: Những đối tượng trộm cắp tài sản theo thủ đoạn này thường là các đối tượng thường xuyên ra vào chung cư để nắm được quy luật hoạt động của gia chủ, phát hiện sơ hở nhằm đột nhập trộm cắp tài sản. Khi đột nhập, để tránh phát hiện chúng thường ngụy trang bằng nhiều hình thức như đội tóc giả, thay đổi trang phục… để tránh bị nhận ra. Cách đột nhập phổ biến là chui qua các cửa thông gió của nhà vệ sinh vì đây là vị trí ít bị chú ý hoặc cạy phá cửa của những hộ gia đình đi làm vắng nhà.
Cảnh giác - bài học không bao giờ cũ
Chỉ huy Đội CSHS CAQ Hoàng Mai cho hay, tại các chung cư còn tiềm ẩn những vụ trộm cắp tài sản ở tầng hầm, bởi đây là nơi tập trung rất nhiều phương tiện của cư dân cũng như khách đến chung cư. Qua khảo sát, ở khu vực địa bàn quận Hoàng Mai có hàng chục tòa chung cư, nhưng không phải tầng hầm của tòa chung cư nào cũng được gắn hệ thống camera giám sát an ninh.
Đồng thời, cũng không phải tất cả các tòa nhà đều có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Trên thực tế ở địa bàn Hà Nội đã xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp tài sản hoặc xe máy trong các tầng hầm. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng BKS giả gắn vào xe máy rồi đi vào tầng hầm gửi xe. Sau khi nhận vé xe, chúng nhanh chóng gỡ BKS giả gắn vào chiếc nào cảm thấy ưng ý rồi phá khóa, điều khiển ra ngoài trả vé. Bảo vệ chung cư chỉ nhìn vé đối chiếu với BKS mà không hề biết rằng chiếc xe chúng vào và khi ra là hoàn toàn khác nhau.
Đề cập đến các biện pháp đảm bảo ANTT, chỉ huy Đội CSHS CAQ Hoàng Mai kiến nghị, để hạn chế và phòng ngừa những hành vi trộm cắp tài sản theo các thủ đoạn nói trên, mỗi chung cư cần có một Ban quản lý, cần bố trí nhân viên bảo vệ 24/24h kể cả các công trình đang thi công và đã chuyển giao cho khách hàng. Cùng với đó là lắp đặt camera giám sát, có biện pháp tích cực để kiểm soát những người lạ mặt ra vào các tòa nhà.
Các công ty lắp đặt thang máy, thiết kế, thi công chung cư cần tính toán phương án xây dựng sao cho đảm bảo yếu tố an ninh và tư vấn cho khách hàng những biện pháp bảo vệ cần thiết như làm cửa kiên cố đối với các phòng vận hành thang máy, sử dụng chuông báo động…
Qua điều tra, gần như 100% số vụ trộm cắp tài sản thì bị hại rất chủ quan, mất cảnh giác. Sự mất cảnh giác này rất đa dạng, từ việc hớ hênh khi đeo túi xách, cầm hoặc nghe điện thoại khi đi trên đường, tệ hơn nữa là quên không đóng, khóa cửa khi ra ngoài. Ngay cả tại các điểm tụ tập đông người, chỉ cần sơ hở một chút là đối tượng trộm cắp sẵn sàng áp sát để trộm cắp tài sản.
Ngoài những đối tượng hoạt động riêng lẻ, các đối tượng trộm cắp còn liên kết với nhau kẻ cảnh giới, người gây án để khoắng tài sản của bị hại nhanh và nhiều nhất có thể. Trở lại với những vụ án trộm cắp ở chung cư, trường học, nguyên nhân ban đầu cũng xuất phát từ chính tâm lý, hành động chủ quan của các bị hại khi tạo điều kiện sơ hở cho đối tượng gây án.
Theo Hoàng Phong / ANTĐ
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại