Chiến thắng 30-4-1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuyết định lịch sử
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Tin quân ta đã chiếm được hoàn toàn thị xã Phước Long đến giữa lúc chúng tôi đang họp. Mọi người phấn khởi đứng cả dậy bắt tay nhau chúc mừng thắng lợi… Điều này có ý nghĩa lớn thể hiện rõ năng lực chiến đấu của quân đội ta và sự yếu kém của quân đội địch. Một chương sử mới đã mở ra”. Đây là một điểm hết sức đáng chú ý bởi cho đến trước khi chiến dịch giải phóng Phước Long nổ ra, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp để thảo luận xem liệu rằng chiến tranh đã đến giai đoạn cuối cùng hay chưa và vấn đề mà nhiều người quan tâm là “một khi các cuộc tấn công quy mô lớn của chúng ta đẩy quân đội Sài Gòn đến nguy cơ sụp đổ, liệu Mỹ có thể đưa quân trở lại Việt Nam hay không?” Với trận Phước Long thì câu trả lời đã rất rõ ràng: Mỹ không trở lại.
Tận dụng thời cơ chiến lược quan trọng đến từ chiến thắng Phước Long và chiến thắng Ban Mê Thuột; Bộ Chính trị họp ngày 25-3-1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, đến cuộc họp ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi.
Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4-1975. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do tập thể các Ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25-3-1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 9 đến ngày 30-4-1975).
Sự chuẩn bị khẩn trương để chớp thời cơ của Đảng ta đã góp phần tạo nên thắng lợi rực rỡ, có ý nghĩa lịch sử, giành độc lập toàn vẹn cho Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một trang sử mới.
Thực hiện cuộc chiến tranh vào Việt Nam hơn 20 năm (1954 - 1975), Mỹ đã trải qua sáu đời tổng thống. Chi phí cho chiến tranh Việt Nam của Mỹ ngốn gần 700 tỷ USD, huy động tới 22 nghìn xí nghiệp với gần sáu triệu công nhân công nghiệp, hơn 1/3 tổng số các nhà khoa học và 260 trường ĐH tham gia vào việc nghiên cứu chiến lược chiến tranh, chế tạo, sản xuất các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh. Mỹ đã đưa hơn 6,5 triệu lượt lính Mỹ trực tiếp và gián tiếp tham chiến. Số quân Mỹ bị chết, bị thương, bị bắt sống 360.000 người. Kết quả cuối cùng là đế quốc Mỹ đã hoàn toàn thất bại.
Tại sao có sự thất bại đó? Nhiều người Mỹ cho rằng, có hai nguyên nhân:
Một là, Mỹ đã không hiểu đúng uy tín và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và đối với nhân dân thế giới.
Hai là, Mỹ đã không lường được sức mạnh của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Cách đây không lâu, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều tham luận tại Hội nghị đã phân tích về chiến thắng và ý nghĩa của chiến thắng 30-4, từ đó đi đến thống nhất, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là thành quả của ý chí đoàn kết và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc. Lịch sử càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc vĩ đại, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn hết, đó là sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là thắng lợi của đường lối ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của quốc tế trên cơ sở nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc.
Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 đã đưa Việt Nam sang một trang sử mới đầy vinh quang. Ảnh tư liệu |
Một trang sử mới
Mốc son lịch sử ngày 30-4-1975 mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam - giai đoạn hòa bình, thống nhất, xây dựng đất nước. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã và đang được tiếp tục tiến hành với những thành công tốt đẹp. Dấu ấn của hơn 30 năm đổi mới tiếp tục được cô đọng ấn tượng trong bức tranh kinh tế năm 2018. Ở đó, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,08%.
Theo PGS., TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 - 2015. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017…
Chính phủ không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đồng thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể DN, thủ tục đầu tư...
Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang điểm 100, nhiều tiêu chí được đánh giá ở mức độ tốt như thành lập DN, xin giấy phép xây dựng, tiếp cận điện năng, nộp thuế, thực thi hợp đồng.
44 năm, sau chiến thắng 30-4 cho thấy vị thế ngoại giao của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ngày càng có chỗ đứng quan trọng. Bằng chứng rõ ràng nhất là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ- Triều vừa được các bên lựa chọn tổ chức tại Việt Nam. Bằng lòng hiếu khách của mình, Việt Nam đã làm tốt vai trò của một đại sứ thân thiện, luôn đề cao giá trị nhân văn của sự hợp tác và hòa bình. Sự chân tình đó của nước chủ nhà đã nhận được những lời đánh giá tốt đẹp từ các nước tham dự hội nghị, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là truyền thông quốc tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại