Thứ hai 08/07/2024 00:44

Chia tay “đòi quà” được không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chia tay “đòi quà” không phải chuyện mới, tuy nhiên, nhìn ở góc độ pháp lý, việc “chia tay đòi quà” được quy định như thế nào không phải ai cũng biết!
Chia tay “đòi quà” được không?
Chú thích ảnh: Tòa án huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nơi xét xử vụ việc “chia tay đòi quà”. (Ảnh: CTV)

Xét xử vụ kiện đặc biệt

Mới đây, TAND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử vụ kiện “chia tay đòi quà” gần 3 tỷ đồng. Theo nội dung bản án, do có mối quan hệ bạn bè nên ông T đã 8 lần chuyển hơn 2,9 tỉ đồng cho bà H từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2023 cho bà H mượn.

Tuy nhiên sau đó, ông T nhiều lần gọi điện yêu cầu bà H trả tiền nhưng đến nay bà H chỉ trả được 495 triệu đồng. Ông T khởi kiện, buộc bà H trả số tiền còn nợ là 2,5 tỷ đồng. Ngược lại, bà H lại cho biết giữa bị đơn và ông T có quan hệ tình cảm từ năm 2019 và chung sống như vợ chồng. Ông T thuê nhà cho bà H ở và chu cấp tiền.

Quá trình chung sống, đầu năm 2022, bà H phát hiện ông T có người thứ 3 nên đã cắt đứt quan hệ. Đến tháng 3/2023, ông T nhiều lần năn nỉ, bà H đồng ý quay lại sống chung với ông như vợ chồng. Trong thời gian này, ông T hứa tặng cho bà H chiếc xe ô tô làm quà sinh nhật muộn và chuyển tiền vào tài khoản của bà H để thanh toán.

Đến ngày 25/6/2023, bà H biết ông T vẫn còn quan hệ tình cảm với người thứ 3 và vẫn chưa ly hôn vợ (khi mới quen ông T nói đã ly hôn) nên đã dứt khoát chia tay. Bà H cũng cung cấp thông tin ông T chuyển khoản qua ngân hàng N cho bà trong từ tháng 4/2022 đến tháng 5/2022, có nội dung chuyển khoản như “qua 8/3 tang em yeu”, “ck ey”, “mua chenel hihi”... tổng cộng 147 triệu đồng và bà H đã chuyển trả lại 20 triệu đồng vì đã cắt đứt quan hệ (lần đầu).

Thông tin chuyển khoản thông qua ngân hàng Q từ tháng 4/2023 đến tháng 7/2023 tổng số tiền 2,995 tỷ đồng; bà H chuyển lại cho ông T hai lần tổng 495 triệu. Tất cả khoản tiền trên, bà H cho rằng ông T chuyển tặng và chu cấp trong thời gian sống chung như vợ chồng, không có việc bà vay mượn ông T.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, ông T là chủ sở hữu số tiền hơn 2,9 tỷ đồng đã chuyển giao cho bà H. Nội dung giao dịch không thể hiện tặng hay cho bà H mượn nên ông T đòi lại tài sản là có căn cứ. Đối với các giao dịch từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2022 không liên quan đến nội dung khởi kiện.

HĐXX xét thấy, nguyên đơn khởi kiện dựa trên các giao dịch từ tháng 4/2023 đến tháng 7/2023, nên không thể dựa vào các chứng cứ mà bị đơn cung cấp để suy đoán việc ông T chuyển tiền cho bà H là để tặng cho. Do đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc bà H phải trả lại 2,5 tỷ đồng.

Khi nào có quyền yêu cầu hoàn trả

Theo luật sư Nguyễn Văn Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, có nhiều điều chưa được làm rõ trong vụ kiện này. Luật sư nêu, theo nội dung bản án, cả ông T và bà H đều không thống nhất mục đích chuyển tiền là tặng cho hay là cho vay.

Tiếp theo, các chứng từ giao dịch cũng không thể hiện bất kỳ nội dung cụ thể nào. Như vậy, theo quy khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự thì ông T có nghĩa vụ cung cấp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh mục đích chuyển tiền là cho vay để được chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Nếu ông T không đưa ra được chứng cứ nào khác chứng minh thì tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án căn cứ theo khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do đó, khi chưa đủ chứng cứ đánh giá mục đích chuyển tiền là tặng cho hay là cho vay thì chưa đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Còn việc sau khi chia tay đòi quà có được hay không, theo luật sư Nguyễn Văn Thịnh, thông thường khi đang yêu đương thì người ta mua quà tặng, cho. Trường hợp này không ai viết biên nhận nên khi chia tay việc xác định tài sản này là quà tặng hay cho mượn khá phức tạp.

Còn đối với các tài sản bắt buộc phải đăng ký như nhà cửa, xe cộ... nếu người tặng, cho nhưng không làm giấy sang tên, tặng cho, thì theo quy định phải đăng ký sang tên mới xác lập quyền sở hữu. Trường hợp nếu chưa sang tên thì chưa chuyển giao nên có cơ sở để xác định tài sản đó vẫn còn quyền sở hữu của người tặng.

Việc nhắn tin chưa thể khẳng định chắc chắn, trừ khi chính người đó thừa nhận sự việc. Theo Điều 462 của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc tặng cho tài sản có thể đi kèm với điều kiện nhất định như sau: bên tặng có thể yêu cầu bên nhận thực hiện một số nghĩa vụ trước hoặc sau khi nhận tặng.

Tuy nhiên, các yêu cầu này không được vi phạm quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Trong trường hợp bên nhận tặng không thực hiện nghĩa vụ sau khi đã nhận tặng, bên tặng có quyền yêu cầu hoàn trả lại nhà, đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Do đó, chỉ khi có sự thỏa thuận trước đó về các điều kiện tặng cho và việc này được ghi trong hợp đồng, người tặng mới có quyền yêu cầu hoàn trả lại tài sản nếu đối phương không tuân thủ thỏa thuận.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp hợp đồng tặng cho nhà, đất không có hiệu lực do không tuân thủ các quy định về hình thức hoặc do có sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Từ đó có thể thấy rõ việc đòi lại các món quà sau khi chia tay khó có thể thực hiện được, vì về cơ bản rất ít cặp đôi sẽ thực hiện một hợp đồng tặng cho có yêu cầu đối phương thực hiện nghĩa vụ hay các thỏa thuận khác trong thời gian yêu nhau.

“Trót” vay tín dụng đen với lãi suất cao: phải làm thế nào? “Trót” vay tín dụng đen với lãi suất cao: phải làm thế nào?

Nhỡ vay tín dụng đen với lãi suất cao, nhiều người dân khốn khổ vì trả nợ từ năm này qua năm khác. Có nhiều ...

Hai tình huống pháp lý trong vụ cảnh sát giao thông bị xe đâm tử vong Hai tình huống pháp lý trong vụ cảnh sát giao thông bị xe đâm tử vong

Liên quan đến vụ việc một trung tá cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Khánh Hòa bị một thanh niên đâm xe dẫn đến tử ...

Tình huống pháp lý vụ sập tường khiến 3 trẻ tử vong Tình huống pháp lý vụ sập tường khiến 3 trẻ tử vong

Theo luật sư, trường hợp kết quả xác minh cho thấy lỗi do đơn vị kinh doanh khu vui chơi tự phát thì cơ quan ...

Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động