Chỉ chiếm ưu thế số lượng, còn doanh thu vẫn… bỏ ngỏ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn về kịch bản
Dòng phim thriller được dự báo là sẽ bùng nổ trên màn ảnh rộng Việt Nam khi có một loạt cái tin được nhắc đến như: “Đôi mắt âm dương” của đạo diễn Thanh Hải, “Bằng chứng vô hình” của Trịnh Đình Lê Minh (làm lại từ Hàn Quốc), “Trái tim quái vật” của Tạ Nguyên Hiệp, “Song song” của Nguyễn Hữu Hoàng (làm lại từ Tây Ban Nha, đã lùi sang năm 2021 vì Covid-19), “Thiên thần hộ mệnh” của Victor Vũ (ấn định chiếu 8-3-2021).
Dòng phim thriller thường xoáy sâu vào nhân vật phản diện, kẻ có vấn đề tâm thần hoặc suy đồi đạo đức - mẫu nhân vật đặc sắc của thể loại phim này và không kém phần điển hình trong xã hội, nhằm mang đến những thông điệp đắt giá. Chất liệu của những dòng phim này đôi khi dựa vào những vụ án có thật.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ về cảm hứng làm phim thriller: “Ẩn sau những vụ án là những câu chuyện, nhân vật, số phận. Tôi luôn tự hỏi hung thủ đối diện với bản thân mình ra sao, trả giá như thế nào”.
Và phải khẳng định, trên thế giới, dòng thriller này luôn có chỗ đứng trong lịch sử điện ảnh, nhất là khi phim theo thể loại này nếu làm tốt sẽ vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị thương mại và giải trí, có thông điệp xã hội sâu sắc. Có không ít phim của thể loại này đã thắng giải Oscar danh giá toàn thế giới.
“Sự im lặng của bầy cừu” (tựa tiếng Anh: The Silence of the Lambs) là một bộ phim kinh dị Mỹ được sản xuất vào năm 1991 do Jonathan Demme đạo diễn với sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh Jodie Foster, Anthony Hopkins, Scott Glenn, Anthony Heald và Ted Levine. Phim đã đạt đủ 5 giải Oscar quan trọng nhất (Big Five) gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Ở Việt Nam, trước sự thắng thế của phim tâm lý, hài, tình cảm, đã có những đạo diễn, những ê-kíp làm phim mạnh dạn chọn thể loại thriller rất khó này. Đa phần họ đều là những người có nghề, kịch bản chắc tay. Có thể kể đến các phim kịch bản gốc của Victor Vũ (“Scandal 1, 2”, “Quả tim máu”, “Người bất tử”), “Thất sơn tâm linh”, “Trái tim quái vật”. Phim làm lại có “Bằng chứng vô hình”.
Tuy nhiên, khán giả vẫn còn thấy có gì đó chưa thỏa mãn, khi các lỗ hổng của kịch bản, các nút thắt giải quyết vấn đề vẫn chưa thật logic. “Thất sơn tâm linh” (hay còn gọi là “Thiên linh cái”) được làm lại từ vụ án có thật, rúng động dư luận, từ lúc công bố trailer đã khiến khán giả vô cùng tò mò. Nhưng phim bị chỉnh sửa nhiều sau khâu thẩm định, nên không giữ được chất lượng như nhà sản xuất mong muốn.
Ở “Trái tim quái vật” - phim ra rạp hôm 20-11, điểm yếu kịch bản được thể hiện rõ khi có nhiều chi tiết phi logic, để lọt những lỗ hổng lớn không chỉ về hình sự, phá án mà còn là kiến thức xã hội, kiến thức tâm lý học. Ngay cả phim làm lại là “Bằng chứng vô hình”, dù có một kịch bản gốc chắc tay, nhưng những cú lật (hay còn gọi là cú twist) không khiến người xem thấy thỏa mãn. Do mạch phim, những nút thắt, những lớp lang hành động chưa đủ bóc tách về cái ác, vì thế, khán giả luôn cảm thấy kịch bản phim Việt theo thể loại này chưa đi đến… tận cùng.
“Trái tim quái vật” dù thai nghén kịch bản trong thời gian dài vẫn chưa thực sự thuyết phục khán giả mê dòng phim thriller. (Ảnh: Đoàn làm phim) |
Diễn viên vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa
Về cơ bản, diễn viên đóng vai trò “đinh” trong các phim dòng thriller là “vai ác”, thuộc về những kẻ phản diện và cơ bản đó là những người đa nhân cách đến mức chính người xem cảm thấy sợ hãi. Điều này, đòi hỏi diễn viên giỏi thôi chưa đủ, hợp thôi chưa đủ, đó còn là sự linh hoạt của ngôn ngữ từng bộ phận cơ thể và từng bộ phận trên khuôn mặt.
Trong “Sự im lặng của bầy cừu”, nhân vật gây ấn tượng nhất là bác sĩ Hannibal Lecter do Anthony Hopkins thủ vai – một nhân vật mà mọi biểu hiện trên gương mặt đều khiến người ta sợ hãi về một kẻ có sở thích ăn thịt người trong hình hài một bác sĩ quá lịch lãm và hiểu biết.
Câu thoại nổi tiếng nhất của nhân vật này là khi ông ta nói với đặc vụ Clarice Starling: “Tôi đã ăn gan của anh ấy với một ít đậu fava và một chiếc bánh chia ngon”. Trên tác phẩm điện ảnh ấy, chúng ta không thấy có quá nhiều hình ảnh máu me, không hề quay cận cảnh, không có những cảnh quá rùng rợn, tuy nhiên, diễn xuất của người đóng vai ác là… tất cả.
Một ánh nhìn sắc sảo, một cái nhắm mắt nghe bản nhạc mà hắn yêu thích khi giết người, một nụ cười nhếch mép và cả sự im lặng chìm trong ánh nhìn khiến người khác kinh sợ mà hắn đối diện với điều tra viên. Tất cả đều quá ám ảnh.
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, khi mà Anthony Hopkins đã là bậc thầy của diễn xuất. Nhưng, ở điện ảnh Việt, nếu phim rùng rợn còn phải qua bước kiểm duyệt, thì kịch bản và diễn xuất của diễn viên càng phải được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, người đóng vai phản diện, đa nhân cách của chúng ta dù cố gắng, nhưng vẫn cần phải học hỏi hoàn thiện nhiều hơn nữa.
Quang Tuấn từng tỏa sáng qua “Thất sơn tâm linh” nhưng lại có vẻ hơi đuối trong “Bằng chứng vô hình”. Quý Bình trong “Quả tim máu”, Khương Ngọc trong “Ống kính sát nhân”, Hứa Vĩ Văn và B Trần trong “Trái tim quái vật” đều là những màn diễn xuất đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ.
Nhìn vào doanh thu phim Việt năm nay, ngôi vị quán quân đang thuộc về “Tiệc trăng máu”, còn những phim Việt thuộc dòng thriller chưa thực sự như kỳ vọng. Như vậy, dòng phim này vẫn vẫn là thử thách lớn với điện ảnh Việt. Và các ê-kíp phải giải quyết được những khâu chúng ta còn yếu, thì mới thực sự có phim chất lượng để đáp ứng mong mỏi của khán giả.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại