Chế tài xử lý hành vi vận chuyển động vật hoang dã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCá thể hổ 200kg mà lực lượng chức năng vừa thu giữ ở Quảng Trị. Ảnh: CQCA cung cấp |
Được “thuê” để vận chuyển hổ
Ngày 22/1, CA huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết đã phát hiện vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, qua đó thu giữ con hổ nặng 200kg. Cụ thể, vào khoảng 19h20 ngày 21/1, tại Km31+650 thuộc thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô màu sơn xám biển kiểm soát 30F-855.73 đang lưu thông theo hướng từ TP Đông Hà đến Hướng Hóa có biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng kiểm tra phương tiện.
Đối tượng không chấp hành mà điều khiển phương tiện tăng ga bỏ chạy. Sau khi bị truy đuổi, đối tượng đã bị bắt. Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe ô tô 30F-855.73 có một lồng sắt đang nhốt một con hổ nặng khoảng 200kg. Đối tượng Lê Duy Thế (SN 1981), trú tại thôn 8, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là người điều khiển phương tiện. Tại cơ quan chức năng, đối tượng Thế khai nhận, vận chuyển con hổ trên từ địa phận tỉnh Quảng Bình đến giao trả tại địa bàn tỉnh Quảng Trị với tiền công là 3 triệu đồng.
Chế tài xử lý rất nặng
Mặc dù có nhiều vụ việc bị đưa ra xử lý về hành vi vận chuyển, buôn bán hay nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, tuy nhiên vì lợi nhuận, vẫn có nhiều đối tượng bất chấp để thực hiện hành vi này. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, theo quy định của Nghị định 06/2019/NĐ-CP thì hổ thuộc vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.
Căn cứ Điều 244, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” thì hành vi vận chuyển hổ bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. “Trong trường hợp hành vi phạm tội được xác định là có tổ chức, buôn bán vận chuyển qua biên giới, tái phạm nguy hiểm… hình phạt tù sẽ tăng từ 5 đến 10 năm” – luật sư Hùng phân tích. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung như bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Mặc dù chế tài xử lý đã có, nhưng việc săn bắn, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã vẫn tiếp diễn phức tạp, theo luật sư Hùng, một phần bởi sự phát triển mạnh mẽ của người dùng Internet hiện nay đã biến Internet thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ phạm tội thực hiện các hành vi vi phạm về động vật hoang dã. Với tốc độ lan truyền chóng mặt, thông tin quảng cáo các cá thể động vật hoang dã trên Internet có khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Đồng thời theo luật sư Hùng, việc xử lý các đối tượng phạm tội ở các địa phương cũng chưa đồng bộ, có nhiều địa phương xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Đơn cử như tháng 9/2023, Tòa án Nhân dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa tuyên phạt 2 đối tượng, mỗi đối tượng 12 tháng tù về hành vi vận chuyển trái phép một cá thể hổ”, luật sư Hùng cho biết.
Cụ thể, hai đối tượng là Ngô Sỹ Thành (SN 1976, trú tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Trí Ngọc (thôn Tân Mùng, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), mỗi đối tượng nhận mức án 12 tháng tù. Trước đó ngày 4/7/2023, CA huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, CA tỉnh Nghệ An bắt giữ thành công hai đối tượng nói trên khi đang vận chuyển trái phép 1 cá thể hổ còn sống trọng lượng 235kg.
Đáng chú ý, tháng 11/2022, Ngô Sỹ Thành đã bị Tòa án Nhân dân huyện Điện Biên tuyên phạt 500 triệu đồng cũng cho hành vi vận chuyển trái phép một cá thể hổ từ Nghệ An lên Điện Biên. Chỉ hơn nửa năm sau khi bị tuyên án, đối tượng Thành lại tiếp tục bị phát hiện tham gia vận chuyển hổ trái phép ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. “Hoạt động vận chuyển, buôn bán hổ trái phép không phải là hoạt động phạm tội diễn ra tự phát mà đòi hỏi sự móc nối và phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng tham gia. Với khung hình phạt đã quy định tại BLHS, hành vi của đối tượng Thành trong vụ án nêu trên không đủ sức răn đe” – theo luật sư Hùng.
Vì vậy, theo ông, trong thời gian tới, ngoài truyền thông trên mạng xã hội, các Bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức phòng, chống vi phạm và tội phạm; ý thức bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Đồng thời, cần áp dụng thống nhất, đúng luật, xử lý nghiêm minh là cách tốt nhất vừa nhằm răn đe, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, vừa bảo vệ hiệu quả loài động vật hoang dã, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và những chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức tự giác trong đấu tranh chống hành vi săn bắn, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm.
Nghệ An: Thu giữ 9 bộ da hổ, sừng trâu rừng | |
Hải Phòng: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 2 bình rượu rắn hổ chúa | |
Vĩnh Phúc: Hai đối tượng “buôn lậu” động vật hoang dã quý hiếm bị khởi tố |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại