Chế tài xử lý hành vi hành hung, cản trở nhà báo, phóng viên khi đang tác nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBiên bản tiếp nhận thông tin tội phạm của Công an huyện Thanh Trì và hình ảnh một số đối tượng hành hung hai phóng viên tại hiện trường đám cháy xưởng gỗ tối 23/4 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: CTV |
Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp
Liên quan tới sự việc 2 phóng viên khi đang tiến hành tác nghiệp gần khu vực xảy ra vụ cháy ở huyện Thanh Trì, Hà Nội bị một nhóm người lao vào hành hung gây thương tích, chiều 24/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), thông tin trả lời báo chí theo quy định, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 27/4/2024.
Trước đó, đêm 23 và rạng sáng 24/4, CA huyện Thanh Trì, Hà Nội đã tiếp nhận trình báo của phóng viên N.V.C của Thời báo VTV và phóng viên M.H.M, của báo điện tử VnExpress về việc bị hành hung dẫn đến chấn thương khi đang làm nhiệm vụ thông tin về đám cháy ở thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Theo đơn tường trình của hai phóng viên và hình ảnh từ clip ghi lại, tối 23/4, anh C và anh M nhận thông tin xảy ra đám cháy ở khu nhà xưởng và di chuyển đến thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì để ghi nhận. Sau khi liên hệ lực lượng chức năng, hai phóng viên được hướng dẫn để vào hiện trường tác nghiệp.
Tuy nhiên, khi đang tác nghiệp thì hai phóng viên bị một nhóm người bất ngờ lăng mạ, tấn công trực diện và giật lấy phương tiện tác nghiệp ném xuống đất. Khi phóng viên bỏ chạy, hô hoán thì các đối tượng tiếp tục đuổi theo tấn công.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo tố giác của hai phóng viên C và M, CA huyện Thanh Trì đã tiến hành ghi lời khai, xác định nội dung vụ việc và đưa hai phóng viên đến bệnh viện để kiểm tra, khám các vết thương. Cơ quan CSĐT CA huyện Thanh Trì đã tiến hành phối hợp với VKSND huyện khám nghiệm hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường, chụp ảnh xác định nơi vị trí xảy ra vụ việc. Đồng thời, tiến hành xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của các đối tượng có liên quan.
Hành vi cản trở hoạt động báo chí có thể bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Báo chí năm 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…
“Theo thông tin phản ánh và hình ảnh của phóng viên cung cấp, cho thấy đây là hành vi cản trở hoạt động báo chí, xâm phạm đến thân thể của phóng viên, nhà báo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án hình sự để xử lý các đối tượng hành hung về tội “Cố ý gây thương tích” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Luật sư Thái cũng cho biết, cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Điều 7, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hay hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…
Có thể thấy, mức xử phạt cho các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP đã được tăng cao hơn rất nhiều với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng cho đến 60.000.000 đồng so với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng cho đến 30.000.000 đồng trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP trước đây.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, trong các trường hợp ở mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào từng vi phạm cụ thể thì các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng như tội “Giết người” (Điều 123, Bộ luật Hình sự); tội “Đe dọa giết người” (Điều 133, Bộ luật Hình sự); tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134, Bộ luật Hình sự); tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178, Bộ luật Hình sự) hoặc tội “Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167, Bộ luật Hình sự)...
Khoản 12 Điều 9, Luật Báo chí quy định hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như sau: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại