Thứ bảy 05/10/2024 16:32
Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024):

Chàng trai quyết giữ lửa nghề rèn truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trăn trở về nghề rèn Đa Sỹ dần bị mai một nếu không có lớp kế cận giữ lửa nghề, anh Lê Ngọc Lâm (SN 1982, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) đã có quyết định đầy bản lĩnh, bỏ ghế giám đốc công ty xây dựng tư nhân để về “tay đe, tay búa” phát triển, sáng tạo sản phẩm làng nghề dao truyền thống Hà Nội.
Anh Lê Ngọc Lâm với công đoạn luyện phôi thép tạo sản phẩm dao cao cấp. Ảnh: Lâm Ánh
Anh Lê Ngọc Lâm với công đoạn luyện phôi thép tạo sản phẩm dao cao cấp. Ảnh: Lâm Ánh

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Tại lễ hội Du lịch Hà Nội tháng 4/2024, xưởng sản xuất Lâm Ánh do anh Lê Ngọc Lâm, chủ xưởng đại diện làng nghề rèn Đa Sỹ giới thiệu, trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống đã thu hút nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Du khách bày tỏ cảm kích trước tay nghề thủ công của các nghệ nhân Hà Nội. Vài năm trở lại đây, xưởng sản xuất của anh Lâm thường xuyên được Hiệp hội làng nghề Hà Nội cử đại diện làng nghề rèn Đa Sỹ tham dự quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ làng nghề, trưng bày sản phẩm truyền thống. Sản phẩm của xưởng sản xuất Lâm Ánh được lựa chọn không chỉ bởi chất lượng sản xuất, trình độ tay nghề còn phát huy tấm gương của chàng trai 8X với khát vọng giữ lửa nghề truyền thống quê hương.

Sinh ra ở làng rèn Đa Sỹ - ngôi làng “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”, gia đình anh Lâm cùng nhiều thế hệ theo nghề rèn. Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm, từng được mệnh danh là “chặt được cả sắt”, niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trải qua quá trình đô thị hóa, nghề rèn Đa Sỹ trải qua nhiều thăng trầm, số hộ gia đình giữ nghề dần mai một. Quyết tâm là “sống dậy” nghề rèn truyền thống quê hương, năm 2016 anh Lâm đã có một quyết định táo bạo, bỏ vị trí giám đốc công ty xây dựng tư nhân về làm thợ rèn với tiếng đe, tiếng búa.

Rời phố về quê lập nghiệp, anh Lâm nhận được không ít sự hồ nghi của gia đình, bạn bè. Họ cho rằng, anh “liều” khi đánh đổi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, đánh đổi cuộc sống “quần là áo lượt” trở về quê khoác áo người thợ rèn lam lũ, vất vả.

Bỏ ngoài tai lời những lời gièm pha, anh Lâm kiên định theo lựa chọn của chính mình. Nhiều đêm trăn trở với bài toán học nghề, anh Lâm tự đặt dấu hỏi “Có những người bỏ công lặn lội cả đời mới tìm cho mình một nghề phù hợp, trong khi quê mình có sẵn nghề truyền thống, tại sao không bám nghề để phát triển?”, Ngoài tình yêu nghề, tố chất có sẵn của người con nghề rèn, anh Lâm học nghề rất nhanh.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu khởi nghiệp gian nan, khó khăn vô cùng. Từ số vốn ít ỏi, kinh nghiệm gần như bằng không, may mắn chính tinh thần cầu thị và niềm đam mê cháy bỏng, không bỏ cuộc, anh Lâm đã thuyết phục được gia đình và các thợ rèn ủng hộ, truyền nghề.

Có được sự hậu thuẫn từ gia đình, anh Lâm dần hiện thực hóa ước trở thành chủ xưởng rèn. Sau 8 năm khởi nghiệp, cơ sở của anh Lâm đã có khoảng 8 máy dập cùng nhiều máy hỗ trợ khác, đáp ứng cho 8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày.

Sản phẩm dao Đa Sỹ do xưởng sản xuất Lâm Ánh giới thiệu tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024. Ảnh: Mộc Miên
Sản phẩm dao Đa Sỹ do xưởng sản xuất Lâm Ánh giới thiệu tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024. Ảnh: Mộc Miên

Ấp ủ giấc mơ làng nghề du lịch, đón khách Tây

Theo anh Lâm, điều trăn trở lớn nhất hiện nay làm sao phát triển được làng nghề, mang lại thu nhập tốt cho bà con, để mọi người sống được với nghề. Một trong những hướng theo anh Lâm đang theo đuổi đó là phát triển theo hướng làm làng nghề du lịch, trải nghiệm.

Mô hình du lịch trải nghiệm được anh Lâm triển khai khoảng hơn năm nay. Xưởng sản xuất thường xuyên đón lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách được trải nghiệm các công đoạn mài dao bằng máy, tự tay mài chiếc dao ưng ý, khắc tên mình lên sản phẩm lưu niệm. Nhiều khách Tây bị “mê hoặc” với tiếng đe, tiếng búa của lò rèn Đa Sỹ và cảm phục sự vất vả của những người thợ rèn.

Làng nghề rèn Đa Sỹ có truyền thống vài trăm năm. Đến nay, có khoảng 70% số hộ dân đang tham gia nghề rèn truyền thống của làng. Thợ giỏi trong làng có khoảng 20 người. Trong số đó, anh Lê Ngọc Lâm là thợ giỏi của làng, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt am” và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.

Nhọc nhằn nghề rèn bên lò lửa giữa ngày nắng nóng
Tuổi trẻ Thủ đô “giữ lửa” nghề rèn truyền thống
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động