Thứ tư 30/10/2024 09:33
Muôn vàn cách lách luật trên sàn thương mại điện tử

Câu chuyện từ Temu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo số liệu từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Temu rầm rộ bán hàng khi chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: H.Đ
Temu rầm rộ bán hàng khi chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: H.Đ

Dù chưa đăng ký hoạt động vẫn ồ ạt bán hàng

Trong đó, năm 2023, thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD. Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD. Cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.

Những ngày qua, trên các mạng xã hội như facebook, zalo xuất hiện rất nhiều các lời mời gọi tham gia mở tài khoản, kinh doanh trên nền tảng Temu… thu hút sự quan tâm của rất nhiều người vì mức giá rẻ “giật mình” cùng nhiều mã giảm giá hấp dẫn. Theo chương trình mà Temu công bố, nếu mời được một bạn bè, người dùng sẽ nhận ngay 150.000 đồng, mời càng nhiều nhận được càng nhiều. Với mỗi người mua hàng, người dùng sẽ kiếm được 10-30% tiền hoa hồng. Temu cũng tặng voucher 1,5 triệu đồng cho người mới đăng ký… So với các sàn thương mại điện tử khác, Temu đang áp dụng mức thưởng rất cao cho những người giới thiệu khách mới tải app, tham gia chương trình tiếp thị liên kết.

Vì những chiêu khuyến mại, thưởng cao ngất, Temu đang gây sóng tại thị tường Việt Nam. Được biết, đây là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và đang bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nửa đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 là 18 tỷ USD.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013. Tối 23/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định sàn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho hay sẽ tìm phương án giải quyết, trong đó có thể yêu cầu sàn dừng hoạt động tại Việt Nam.

Temu cho phép những người dùng trở thành đối tác của các sàn, nhận được hoa hồng khi có người nhấp vào link, banner giới thiệu với chính sách đã được cam kết. Tuy nhiên, để rút tiền thưởng, người dùng mới cần hoàn tất quá trình đăng ký và thực hiện mua một đơn hàng đầu tiên trong 60 ngày. Nếu khách hàng hủy đơn hàng hoặc không hoàn tất quá trình mua sắm trong thời gian quy định, số tiền hoa hồng sẽ không được chuyển vào tài khoản của người giới thiệu.

Trên thực tế, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này khó có thể kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra. Bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng hàng giả, hàng nhái thâm nhập vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết. Mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Cần làm gì trước sức ép về giá đối với hàng hóa trong nước?

Liên quan đến hoạt động của Temu, Taobao cùng các nền tảng thương mại điện tử từ Trung Quốc đang bán hàng xuyên biên giới gây nguy cơ cho sản xuất hàng hoá trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, ngày 24/10 Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Được biết, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc quản lý bán hàng hoá xuyên biên giới của các sàn thương mại từ Trung Quốc như Temu, Shein, TaoBao, 1688… đang là vấn đề các cơ quan quản lý cần xem xét. Để quản lý chặt chẽ, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các đơn vị. Trước tiên phải có sự kết hợp của hải quan và biên phòng khi hàng hoá chưa được chuyển vào Việt Nam. Khi hàng vào thị trường trong nước sẽ là nhiệm vụ của quản lý thị trường.

Tình trạng ồ ạt bán hàng hoạt động không phép rồi sau đó mới xin giấy phép hoạt động khi bị nêu đích danh cho thấy mục tiêu rất rõ trong việc cạnh tranh với hàng hoá trong nước. Theo một số chuyên gia, để bảo vệ thị trường trong nước, chống được sức ép từ hàng hóa rẻ ngoài biên giới cần có Luật Phòng vệ thương mại. Cùng đó, việc cấp phép quản lý hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Tao bao, 1688 cần xem xét chặt chẽ. Còn nếu không sẽ rất khó khăn để bảo vệ hàng hoá trong nước.

Việc Temu chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam mà tự hoạt động giao dịch, bán hàng tại Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, sự việc này cũng chỉ bị xử lý hành chính. Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thương mại điện tử chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua các hành vi gian lận. Không chỉ vậy, việc quản lý thuế nhiều tổ chức kinh doanh xuyên biên giới cũng đang bỏ ngỏ...

Cơ quan thuế nhận thấy hoạt động thương mại điện tử vẫn đang là xu thế diễn ra mạnh ở Việt Nam và tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… đang diễn ra và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề này đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Bộ Công Thương lên tiếng về ứng dụng mua sắm Temu
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động