Cảng biển Hải Phòng: Đối mặt với nỗi lo “Tàu cạn, luồng khan”!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHệ thống đường ống được sử dụng giải tỏa nguy cơ ô nhiễm trong nạo vét luồng biển Hải Phòng 2022. |
Giải tỏa nỗi lo luồng tắc
“Thời điểm vàng” những năm 2015 - 2016, cơ chế “khoán gọn” nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng lần đầu tiên được triển khai thí điểm đã tạo nên bước ngoặt đối với việc phát triển hệ thống cảng biển ở đây, liên tục trong 2 năm đó, luồng biển Hải Phòng được duy trì chuẩn tắc -7m, sản lượng hàng hóa thông qua đạt mức trên 10%/năm, tạo động lực cho hàng loạt cảng biển mới ra đời, phát triển.
Do sự thay đổi về cơ chế, từ năm 2017 đến nay việc nạo vét quay trở lại theo hướng duy tu 1 lần/năm, lúc lũ đến, công trình xong chưa đầy tháng, luồng tàu đã xuất hiện điểm cạn, các hãng tàu buộc phải giảm 20% công suất tàu để khai thác.
Một bất cập lớn đối với việc thực hiện công tác này là những ách tắc trong việc xác định, chấp thuận vị trí đổ thải, mà khi đã tìm kiếm được khu vực phù hợp thì lại vướng việc giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, công tác duy tu trong năm 2021 bê trễ hoàn toàn vì tại khu vực lấn biển của khu công nghiệp Deep C Đình Vũ, người dân sử dụng mặt biển để nuôi trồng thủy sản.
Suốt cả năm 2021 cho đến tháng tháng 5/2022, chính quyền TP Hải Phòng, quận Hải An đã tổ chức hàng loạt động thái nhằm giải tỏa ách tắc này, trong đó buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với hơn 10 trường hợp thì dự án mới có thể vận hành, mặc dù thời gian thi công chỉ cần chưa đầy 2 tháng.
Xác định tính cấp thiết của việc “khơi luồng đi cho những con tàu” đối với việc phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ hàng hải Hải Phòng cũng như khu vực phía Bắc, Tổng Cty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc và nhà thầu trúng thầu nạo vét, duy tu luồng Hải Phòng 2022 là Cty TNHH Cơ giới Mỹ Dung đã tập trung huy động nhân lực, thiết bị hoàn thành tiến độ cao nhất các hạng mục công trình.
Đó là việc huy động các tàu hút bụng MD 16, 18 được nhập khẩu có công nghệ vào loại hiện đại nhất ngành thi công thủy hiện nay với công suất thi công 24,000m3/ngày, đào hố chứa thải dung lượng 40,000m3, sâu 4m ngay trên biển, lắp đặt hệ thống đường ống để thổi, dẫn chất thải vào bờ dài 7km cùng hệ thống đê bao kèm theo.
Trong bối cảnh thời gian thi công gặp ảnh hưởng rất lớn của “bão giá” (nhất là giá nhiên liệu tăng 50%) nhà thầu đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong vòng 2 tháng, vượt trước thời điểm mùa lũ tại miền Bắc (tháng 8, 9). Qua đó, đã góp phần giải quyết ách tắc về luồng lạch, 294,000m3 bùn đất đã được thanh thải tại các dải cạn, đưa độ sâu các khu vực luồng Hải Phòng về đúng chuẩn tắc thiết kế (Bạch Đằng – Hà Nam: -7m, sông Cấm – 5,5m), với tổng số 25,4km luồng quốc gia hiện hành.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Với việc hoàn tất bảo trì luồng hàng hải Hải Phòng sau một thời gian ách tắc, ngưng trệ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc duy trì bền vững, ổn định các “đại lộ” trên biển. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là cần phải kéo dài thời gian, áp dụng cơ chế “khoán gọn” tại khu vực luồng biển hàng đầu miền Bắc này.
Theo ông Đồng Trung Kiên, TGĐ Tổng Cty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc cho biết: Theo quy định hiện hành, luồng Hải Phòng đã đáp ứng được các tiêu chí quan trọng để áp dụng hình thức quản lý mới này. Đó là, có lượng sa bồi ổn định để nhà thầu tham gia đấu thầu, có vị trí đổ vật liệu nạo vét lâu dài (ít nhất từ 3 năm) để cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường trong khoảng thời gian áp dụng “khoán gọn”.
Tổng Cty này đã chuẩn bị các điều kiện vật chất để triển khai sớm dự án, theo đó khối lượng khoán duy trì chuẩn tắc của tuyến luồng Hải Phòng các năm 2022 - 2025 dự kiến vào khoảng 1.132.000m3 (mỗi năm khoảng 566.000m3).
Vật liệu nạo vét trong quá trình thực hiện khoán của tuyến luồng trong 3 năm sẽ được nhận chìm ngoài biển tại vị trí D2, đã được UBND TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương với khoảng cách từ 36 đến khoảng 60km.
“Việc đấu thầu sẽ diễn ra thuận lợi do Tổng Cty đã có kinh nghiệm thực hiện trong khoảng thời gian 2016 - 2017, doanh nghiệp trúng thầu sẽ chủ động kế hoạch triển khai nạo vét cũng như đầu tư trang thiết bị thi công, khối lượng thực tế phát sinh sẽ không được điều chỉnh thanh toán. Đây cũng là hình thức tiết kiệm kinh phí ưu thế hơn so với việc tổ chức các đợt nạo vét duy tu định kỳ hiện nay”, ông Kiên cho biết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại