Thứ hai 25/11/2024 20:04

Cần xây dựng chiến lược giữ gìn, phát huy tối đa giá trị các di tích, di sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 21/3, tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”;…
Cần xây dựng chiến lược giữ gìn, phát huy tối đa giá trị các di tích, di sản
PGS. TS Lê Quý Đức phát biểu tại hội thảo

Trong tham luận nhận diện nguồn tài nguyên văn hóa của Hà Nội trong phát triển kinh tế, xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, sông hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng… tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. So với nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh…, Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Hà Nội nên khai thác nguồn tài nguyên di tích hiện có của mình. Nhiều di tích của Hà Nội đã phát huy được giá trị như Di tích Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, điều đó cho thấy các nguồn tài nguyên di tích đã và đang được khai thác tốt.

PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất, Hà Nội nên củng cố hệ thống bảo tàng, trong đó tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân phát triển (như Bảo tàng tinh hoa làng nghề Việt ở Bát Tràng); đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư; đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.

PGS. TS Lê Quý Đức (Viện Văn hoá và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh Hà Nội là nơi có lợi thế vượt trội về nguồn di sản văn hoá, di tích, với 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Tính đến ngày 24/1/2022, Hà Nội có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.160 di tích quốc gia,… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sở hữu nguồn lực không gian, cảnh quan văn hoá và không gian kiến trúc nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc. Đặc biệt, Hà Nội còn có nguồn lực lớn về di sản văn hoá phi vật thể cũng như nguồn lực về con người.

Liên quan đến việc phát huy giá trị di tích, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cũng đưa ra giải pháp khai thác Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ngoài việc đề xuất khôi phục Điện Kính Thiên, Hà Nội nên có những giải pháp kết nối Hoàng thành Thăng Long với các điểm di tích của Hà Nội như khu phố cổ, “Thăng Long tứ trấn”, cầu Long Biên.

Ngoài những di tích trên, TS Nguyễn Văn Sơn nêu ý kiến Hà Nội nên chú ý thêm những di tích khác. Ví dụ như Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh) có thể thực hiện phục dựng lễ hội Cổ Loa, nghiên cứu thêm các huyền tích của Cổ Loa như câu chuyện nỏ thần để có thể giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Đề cập vấn đề khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng phục hưng các lễ hội truyền thống của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế là rất cần thiết, bởi Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng cần đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả bằng cách liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách.

Cần xây dựng chiến lược giữ gìn, phát huy tối đa giá trị các di tích, di sản
Quang cảnh hội thảo

TS.Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Giá trị văn hóa và nguồn lực văn hóa là vấn đề rất rộng, ở đây tôi chỉ tiếp cận vấn đề di tích, di sản vật thể của Thủ đô Hà Nội. Với nguồn di tích, di sản lớn nhất cả nước, Hà Nội nên coi đây là nguồn tài nguyên lớn để giữ gìn, phát triển văn hóa. Vì thế, trong việc quy hoạch, định hướng, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần phải nhận diện, bảo tồn các di sản văn hóa một cách cụ thể”.

TS.Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định hiện nay, Hà Nội đã làm tốt công tác nhận diện di sản nhưng cũng cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. “Trong việc nhận diện văn hóa đặc trưng của Hà Nội, chúng ta cần phải hiểu rằng, Hà Nội không chỉ có di sản độc lập mà còn có các khu vực đặc trưng như: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu làng nghề… Những khu vực đặc trưng này nên phát triển ra sao, bảo tồn ở góc độ nào để vẫn giữ được nét đặc trưng, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô là vấn đề cần quan tâm.

Theo tôi, trong việc xây dựng Luật Thủ đô tới đây, các di sản vật thể của Hà Nội cần phải được nhận diện, quy hoạch lại một cách rõ ràng, từ đó có chiến lược giữ gìn, phát huy những di sản này một cách tốt hơn, góp phần xây dựng văn hóa Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, TS.Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại“ Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại“
Xây dựng con người văn minh đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa Xây dựng con người văn minh đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa
Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng
Tuyết Mai
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động