Cần thống nhất thuật ngữ trong văn bản luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 3-11, các ĐBQH tiến hành thảo luận sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
ĐB Ngàn Phương Loan nhất trí với quy định được thiết kế tại Điều 15 của Dự thảo Luật sau khi nghiên cứu báo cáo giải trình số 206 ngày 1-11-2017 của UBTVQH, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH tại kỳ họp thứ 3 đã bảo đảm đầy đủ thống nhất về nội dung, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính.
Theo ĐB Ngàn Phương Loan cho rằng, trong dự án luật có nhiều điều, khoản cần bổ sung thêm nhiều thuật ngữ, thống nhất thuật ngữ để có thể đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Cụ thể, tại điểm C, khoản 3, điều 24 về kế hoạch vay trả nợ công hàng năm quy định, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương trình HĐND cùng cấp trước khi gửi Bộ Tài chính để tổng hợp.
Theo tôi quy định này là chưa rõ và cần bổ sung thêm cụm từ “quyết định” vào đằng sau cụm từ “trình HĐND cùng cấp” và viết lại cụm từ này như sau: “Hàng năm cùng với lập dự toán ngân sách nhà nước, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, trình HĐND cùng cấp quyết định trước khi gửi Bộ Tài chính để tổng hợp”.
Việc bổ sung này sẽ bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được quy định tại khoản 1, điều 16 của dự án Luật và điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Đề nghị thay từ “vàng” tại khoản 2, Điều 26 thành từ “kim loại quý” để bảo đảm đầy đủ và chính xác hơn.
Tại khoản 2, điều 27, đề nghị bổ sung từ “quyết định” trước cụm từ “kế hoạch” và viết lại khoản này như sau: “…căn cứ quyết định kế hoạch vay trả nợ công hàng năm được phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành và các công cụ nợ của Chính phủ”.
Lý do, tại khoản 1 điều này khi nói về các công cụ nợ của Chính phủ bao gồm: Tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc. Tuy nhiên, thẩm quyền phát hành công trái xây dựng Tổ quốc do UBTVQH quyết định, được quy định tại khoản 2, điều 11 và điểm b, khoản 3, Điều 13 của dự án Luật.
Do đó, việc bổ sung thêm cụm từ “quyết định” như nêu trên sẽ bảo đảm chính xác hơn.
ĐB Ngàn Phương Loan phát biểu tại QH Ảnh: Khánh Phong |
Tại khoản 4, Điều 28, đề nghị thay cụm từ “phê duyệt” bằng từ “quyết định”. Vì tại điều 13 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đều sử dụng cụm từ “quyết định”, không có khoản nào quy định là “phê duyệt”.
Riêng khoản 7 của Điều này quy định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ là quyết định đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thiết kế lại khoản 3, Điều 14.
Tại khoản 3, Điều 35 quy định: Bộ tài chính, cơ quan tổ chức tài chính tín dụng thực hiện cho vay lại đối với DN để đầu tư dự án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định tổ chức tài chính tín dụng phải đáp ứng những điều kiện gì khi được Bộ Tài chính lựa chọn là cơ quan cho vay lại.
Vì vậy, đề nghị được bổ sung thêm quy định vào dự thảo Luật, đồng thời có quy định các tổ chức tín dụng khi tham gia là cơ quan cho vay lại phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn cho hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại một số thuật ngữ để thống nhất trong văn bản. Ví dụ, tại chương 8 dùng từ “đảm bảo” nhưng ngay sau đó tại Điều 54 thì lại dùng từ “bảo đảm”. Tại khoản 2, Điều 32, dùng từ “đảm bảo” nhưng tại điều 56, điểm a, b, khoản 2 và một số điều khoản khác trong dự án Luật lại dùng từ “bảo đảm”, như vậy là chưa được thống nhất trong văn bản pháp luật”, ĐB Ngàn Phương Loan kiến nghị.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại