Cần Thơ: Năm học mới phấn đấu vượt khó để dạy tốt, học tốt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm học 2021-2022, trường THCS An Khánh, quận Ninh Kiều, có 49 lớp, gồm 1.852 học sinh (HS), trong đó khối lớp 6 có 272 HS. Đến nay tất cả giáo viên (GV) đã được phân công nhiệm vụ. Các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đều lập group zalo của lớp để kết nối với phụ huynh và HS, tìm hiểu và hướng dẫn các em chuẩn bị các điều kiện đến trường, hướng dẫn cài Zoom để chuẩn bị học trực tuyến. Những em chưa mua được sách giáo khoa (SGK), GV báo cáo Ban giám hiệu (BGH) để tìm biện pháp hỗ trợ.
Ban giám hiệu và giáo viên trường THCS An Khánh liên lạc với HS và phụ huynh HS |
Theo kế hoạch của UBND TP Cần Thơ, từ ngày 6-9, HS khối lớp 9 và lớp 12 sẽ bước vào năm học mới, học theo hình thức trực tuyến. Đến ngày 13-9, các khối lớp còn lại bắt đầu thực học (theo hình thức trực tuyến nếu giãn cách, và học trực tiếp nếu xã hội trở lại trạng thái bình thường mới). Chưa triển khai dạy trực tuyến đối với cấp Mầm non và Tiểu học.
Cũng như các trường khác trên địa bàn thành phố, một trong những khó khăn của trường THCS An Khánh là một bộ phận HS không có phương tiện để học trực tuyến. Riêng với lớp 6, ngoài khó khăn trên, các em chưa quen hình thức học trực tuyến, và là năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới, các em rất cần thầy cô giáo hướng dẫn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” như đối với HS lớp I.
Qua báo cáo của các GVCN, mỗi khối lớp đều có vài trường hợp không có phương tiện học trực tuyến, trong đó khối lớp 6 có 7 HS. Thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng trường THCS An Khánh cho biết: “Đối với những em này, GVCN hoặc các GV Đoàn viên sẽ đưa tài liệu học tập đến nhà cho các em. Khi nào hết giãn cách, trường tổ chức ôn tập kiến thức đã học cho HS, đồng thời phân công GV phụ đạo thêm những HS chưa nắm vững kiến thức cơ bản. Ngoài ra, do mỗi khối lớp chỉ có khoảng 8,9 em nên khi nào Cần Thơ nới lỏng giãn cách, nhà trường sẽ tập trung số em này để học trực tiếp với thầy cô giáo tại trường”.
Phương án trên hầu như là cách làm chung của nhiều trường. Riêng trường THCS Lương Thế Vinh, trong tháng 8-2021, nhà trường tổ chức dạy thử nghiệm trực tuyến qua sử dụng phần mềm Zoom đối với HS khối lớp 6. Thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng trường, cho biết: Chủ yếu để thầy cô giáo và HS, phụ huynh tiếp cận SGK và chương trình GDPT mới, với mục tiêu là phát triển năng lực, phẩm chất HS, đồng thời giúp HS làm quen với phương pháp học online.
Mỗi tuần trường tổ chức dạy 3 tiết, mỗi tiết 40 phút. Giáo án được các GV trong tổ bộ môn soạn chung rồi cử người đại diện dạy. Ban giám hiệu và các thầy cô bộ môn đều dự giờ, rút kinh nghiệm từng tiết dạy. Việc học là tự nguyện nhưng thu hút hầu hết HS. Mặt khác, chỉ cần thiết bị có kết nối là học được nên phụ huynh không phải trang bị cho con những thiết bị hiện đại.
Thầy Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh dự giờ tiết dạy trực tuyến |
Thầy Hiệu Trưởng Võ Thành Tâm chia sẻ: “Nhà trường không bắt buộc học các tiết này, nhưng năm học này trường có 476 HS lớp 6 thì gần hết phụ huynh đăng ký cho con học. Dạy theo phương pháp mới, thầy cô đưa bài lên mạng cho các em tham khảo trước. Đến giờ dạy, GV hướng dẫn HS tìm đến kiến thức thông qua các câu hỏi gợi mở. Qua các tiết dạy, đa số HS phát biểu dạn dĩ và các em tỏ ra hào hứng trong học tập. Do sử dụng phần mền Zoom nên GV và HS nhìn thấy nhau, thực hiện được tương tác giữa thầy và trò”.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Cần Thơ, năm học 2021-2022, Cần Thơ có hơn 247.000 HS từ mầm non đến THPT. Đến nay tỷ lệ huy động HS ra lớp đúng độ tuổi đạt trên 95%. Đến khi HS trở lại trường, các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục vận động để đạt 100% trẻ trong độ tuổi cấp tiểu học ra lớp.
Chuẩn bị cho năm học mới, từ đầu học kỳ II, năm học 2020 -2021, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện lập danh sách GV cấp tiểu học và THCS dự kiến phân công dạy lớp 2 và lớp 6 để tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dcụ cho các lớp đầu cấp (những lớp bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới). Cơ sở vật chất, danh mục SGK mới, thiết bị dạy học tối thiểu được các quận, huyện quan tâm, lập kế hoạch cung ứng cho các nhà trường.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cần Thơ thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, khá nhiều trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, hoặc làm điểm tiêm vaccine Covid-19 nên công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học, cải tạo cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường… đón HS vào trường của các cơ sở giáo dục hầu như không thực hiện. Toàn thành phố mới đạt 73,41% số trường có GV Tin học, các nhà trường không có GV Tin học gặp khó trong việc tổ chức dạy môn Tin học tự chọn trong năm học 2021-2022, và tiến đến dạy môn Tin học bắt buộc cho lớp 3 từ năm học 2022-2023. Để tháo gỡ, Sở GD&ĐT đang cùng các quận, huyện đưa GV học văn bằng 2 và tuyển mới GV tin học.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch giáo dụctrong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường triển khai những giải pháp bảo đảm an toàn trường học, đặc biệt là tiêu độc, khử trùng các cơ sở giáo dục mà địa phương trả lại sau thời gian trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế và kiểm tra, bổ sung đầy đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn cho GV và HS. Về vấn đề SGK, qua tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện cho các nhà xuất bản vận chuyển SGK về các quận, huyện, xã, cung ứng cho các trường kịp thời.
Mặt khác, link SGK điện tử từ lớp 1 đến lớp 12 cũng đã gửi đến HS và phụ huynh HS để tham khảo trước khi bắt đầu năm học mới. Để 100% HS được trang bị đầy đủ SGK, các trường học rà soát và hỗ trợ kịp thời những HS có hoàn cảnh đặc biệt. Sở GD&ĐT hỗ trợ các trường 15 bộ SGK/trường; vận động tặng thêm 550 bộ SGK cho một số trường có nhiều HS khó khăn ở các cấp học.
TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kịch bản có nhiều phương án dạy học để tận dụng tối đa “thời gian vàng”: Theo đó thời gian HS đến trường, các thầy cô giáo tổ chức dạy học trực tiếp những nội dung cốt lõi, căn bản nhất, đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT cấp tiểu học. Những nội dung khó, những nội dung bổ trợ sẽ được dạy trong khoảng thời gian và hình thức phù hợp khác.
Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, một trong những trường được trưng dụng làm điểm tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân viên |
Nếu tình hình đại dịch kéo dài, các nhà trường nghiên cứu, có phương án chuẩn bị điều kiện để chuyển đổi hình thức tiếp cận kiến thức, giữ nền nếp học tập cho HS tại nhà. GV chủ động lựa chọn những nội dung cần thiết, liên hệ phối hợp cha mẹ HS tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS, đặc biệt, GV phải cố gắng hướng dẫn cho HS phương pháp học tập tại nhà phù hợp với điều kiện gia đình các em.
Riêng với HS lớp I, các cơ sở giáo dục phối hợp phụ huynh HS triển khai việc học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp I” đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng, nhằm giúp HS lớp I tiếp cận học phần “Học vần môn Tiếng Việt” và các ứng dụng khác. Chương trình bắt đầu từ ngày 6-9-2021.
Đối với cấp THCS và THPT, Sở GD&ĐT đã xây dựng kịch bản gồm 5 phương án tổ chức dạy học để ứng phó kịp thời với các diễn biến của đại dịch. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các trường xây dựng các kịch bản phù hợp thực tế của đơn vị mình và diễn biến chung của địa phương.
Trang bị phần mềm kiểm tra đánh giá trực tuyến cho các csở giáo dục, giúp các đơn vị chủ động, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch giáo dục. Ngoài ra, Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn 100% GV sử dụng thành thạo phần mềm dạy học trực tuyến. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, đảm bảo kế hoạch dạy học.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại