Cần quy định rõ các loại chi phí được Nhà nước hỗ trợ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 25-5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong đó có quy định về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 9, Dự thảo Luật).
Báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. Nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC).
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 3 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; (3) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho biết, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, nếu quy định như Dự thảo Luật thì chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ do Ngân sách Nhà nước đảm bảo. Vậy cần quy định rõ Nhà nước đảm bảo những khoản nào. Bởi có rất nhiều khoản chi phí khác như: phụ cấp cho hoà giải viên, chi phi in ấn tài liệu và chi phí khác nữa phát sinh trong quá trình hoà giải, đối thoại.
Đại biểu Lưu Thành Công cho rằng, vấn đề nêu trên chưa được làm rõ trong Dự thảo Luật. Nếu quy định chung như thế này thì Ngân sách Nhà nước hàng năm sẽ phải gánh thêm một khoản khá nhiều.
Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long). Ảnh tư liệu |
“Cần xác định rõ thêm chi phí nào được Nhà nước hỗ trợ, chi phí nào được các bên có yêu cầu hoà giải đối thoại chi trả chứ không phải chỉ 3 trường hợp như Dự thảo Luật quy định . Điều này sẽ bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước, đồng thời khiến các bên tranh chấp sẽ nâng cao trách nhiệm hơn trong quá trình hoà giải”, đại biểu Lưu Thành Công góp ý.
Cùng góc nhìn, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, Dự luật cần bổ sung một quy định mang tính nguyên tắc. Đó là phải có sự thỏa thuận thống nhất trước của các bên đối với các trường hợp chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải ngoài trụ sở Tòa án.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An). Ảnh: Quochoi.vn |
“Đây là những chi phí thực tế, sau khi thực hiện mới có chi phí này mà Nhà nước không thể định khung, không thể định tỷ lệ phần trăm. Ví dụ hai bên thống nhất hòa giải viên tiến hành hòa giải tại một địa điểm trang trọng. Kết quả có thể là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành. Tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất trước và hai bên không trả tiền cho buổi gặp gỡ này thì hòa giải viên phải chịu hay Nhà nước phải gánh chi phí này”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại