Thứ ba 30/04/2024 02:30
Đề xuất trẻ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy phải có giấy phép lái xe:

Cần lấp khoảng trống pháp lý!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đề xuất bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối phải có bằng lái của đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận về những ý kiến.
Học sinh điều khiển xe mô tô - xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định
Học sinh điều khiển xe mô tô - xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định

Thi sát hạch trước khi được cầm lái

Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị, bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối (50cc) phải có giấy phép lái xe.

Dẫn số liệu thống kê năm 2023, ông Khuất Việt Hùng cho biết, có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi tử vong và bị thương do tai nạn giao thông; trong đó, khoảng 1.000 trẻ em chết, phần còn lại là bị thương. Đáng chú ý, 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, đa số tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. Ông Khuất Việt Hùng đề nghị, các trường hợp này phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy.

Sau khi dự án Luật trên được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thì vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ nhận được ý kiến đề nghị rà soát các quy định có liên quan về quy chuẩn an toàn và các quy định khác trong dự thảo Luật để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là có căn cứ. Tuy nhiên, nên lùi lại 5- 6 năm mới tính đến phương án này bởi thực tế hiện nay Bộ CA, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang quản lý số lượng lớn xe mô tô, xe gắn máy, ô tô. Giờ quản lý thêm xe đạp điện sẽ “đẻ thêm bộ máy cồng kềnh”.

Ở góc độ phía người dân, chị Nguyễn Thị Huệ, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho rằng, trên đường phố, trước cổng các trường THPT không khó bắt gặp hình ảnh học sinh phi bạt mạng trên đường. Trong khi đó, nhóm học sinh đi xe đạp điện hầu như không đội mũ bảo hiểm.

“Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, các em chưa hiểu hết các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, chưa ý thức được sự nguy hiểm do hành vi mình gây ra nên cần được học bài bản về Luật Giao thông đường bộ, đồng thời trải qua các bài thi sát hạch trước khi được cầm lái là điều cần thiết" – chị Huệ kiến nghị.

Đội Cảnh sát giao thông số 5, Công an thành phố Hà Nội  tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội	Ảnh: Trọng Tùng
Đội Cảnh sát giao thông số 5, Công an thành phố Hà Nội tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng

Trang bị đầy đủ kiến thức an toàn giao thông

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định vào trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ việc trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện…

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất trên và cho rằng: “Có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện thì tốt hơn vì có còn hơn không. Xe có dung tích dưới 50cc có thể không đạt được tốc độ thật cao nhưng cũng có thể đạt tốc độ 40-50km/h. Với tốc độ đó nếu va chạm giao thông cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong”.

Tiến sĩ Phan Lê Bình cũng nêu quan điểm, vấn đề không chỉ là tốc độ nhanh hay chậm mà còn liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện của các em khi tham gia giao thông. “Khi bố mẹ giao xe cho con, họ mới chỉ nghĩ đến làm sao con cầm được lái, phanh được xe. Còn chú trọng lái xe làm sao cho an toàn thì ít gia đình hướng dẫn cho con. Do đó, để cấp giấy phép lái xe đơn giản hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện cần có giáo trình giảng dạy cho các em” - tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

Tuy nhiên ở góc độ khác, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền lại cho rằng, nên quy định như dự thảo Luật. Bởi quy định hiện hành đã quy định các trường THPT đưa vào chương trình giảng dạy về vấn đề an toàn giao thông. Do đó nên lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông như học sinh từ lớp 6 trở lên phải học chương trình về an toàn giao thông. Đến 16 tuổi thì các cháu đủ điều kiện điều khiển phương tiện dưới 50cc. Nếu bây giờ thêm chứng chỉ, thi sát hạch lại phát sinh thêm thủ tục và quản lý hành chính, bởi sẽ có thêm nhiều khâu, vì sát hạch còn liên quan đến sức khỏe, chiều cao, cân nặngvà thêm nhiều khâu đi kèm theo.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết, xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ lưu thông đến 35km/h, thậm chí 40km/h. Với tốc độ này, nếu xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông sẽ rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người khác. Bởi vậy, việc yêu cầu người từ 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có giấy phép lái xe là cần thiết.

"Việc này giúp các em biết khi sử dụng, điều khiển phương tiện giao thông, đi ra đường lưu thông thì cần phải tuân thủ những quy định gì, phải có trách nhiệm gì để đảm bảo, tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông" - thiếu tá Trần Quang Chinh nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết,thực tế, tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, ý thức người tham gia giao thông là chính.

Luật sư Đinh Thị Nguyên dẫn ví dụ, từ năm 2008, Việt Nam đã có Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính điều chỉnh người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển các loại xe có dung tích xi lanh trên 50cc.Tuy nhiên, giờ tan học tại các cổng trường THCS, THPT có thể dễ dàng thấy học sinh đã điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50cm chở hai chở ba người, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng…

"Điều này phản ánh ý thức của một bộ phận phụ huynh đã giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, mặc dù đã có chế tài hình sự, hành chính, bồi thường dân sự đối với người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Thực tế trong những năm qua, nhiều bậc phụ huynh đã bị xử lý hình sự khi giao xe cho con gây tai nạn giao thông nghiêm trọng”– luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: “Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 10, Điều 31, Điều 33 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, điều chỉnh độ tuổi, chiều cao, độ tuổi điều khiển phương tiện, tăng cường công tác đào tạo, giáo dục phổ biến pháp luật cho trẻ em theo từng độ tuổi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trừ điểm giấy phép lái xe: quản lý quá trình chấp hành luật thay vì quản lý hành vi đơn lẻ
Thêm 2 quận, huyện ở Hà Nội được ủy quyền cấp đổi giấy phép lái xe
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tước 96 giấy phép lái xe trong 1 ngày
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động