Thứ bảy 23/11/2024 04:28
Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh livestream buổi sao kê tiền từ thiện:

Cần làm rõ “đường đi” của đồng tiền từ thiện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh mời luật sư cùng một số cơ quan báo chí truyền thông tới chứng kiến việc nhận bàn giao khoảng 18 nghìn trang sao kê tiền từ thiện tại ngân hàng, tuy vậy chưa đủ xua tan những hoài nghi về sự khuất tất trong đợt quyên tiền vừa qua.

Công Vinh tuyên bố sẽ nhờ pháp luật vào cuộc

Chiều 17-9, vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên đã có buổi livestream trên mạng xã hội để “tung” sao kê trực tiếp tại ngân hàng. Tại đây, nữ ca sĩ livestream công bố toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng từ trước khi kêu gọi 5 ngày và sau khi công bố kết thúc chuyến từ thiện 3 tháng. Theo đó, số tiền quyên góp chính xác là hơn 178 tỷ đồng. Không có chuyện 320 tỷ đồng hay 700 tỷ đồng như lời đồn. Số giấy sao kê khoảng 18.000 trang, được xếp trong 5 thùng giấy.

Ngoài ra, Công Vinh cũng tuyên bố khởi kiện những cá nhân có hành vi vu khống bịa đặt cho vợ chồng anh. “Những ngày qua, những lời vu khống, bịa đặt ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, công việc của hai vợ chồng. Dù người đó là ai thì Vinh tin là không ai có thể đứng trên pháp luật được. Đơn kiện đã chuẩn bị xong và Vinh cũng tuyên bố chính thức nhờ pháp luật vào cuộc”, cựu tuyển thủ bóng đá này cho biết.

Vợ chồng Thủy Tiên, Công Vinh nhận bản sao kê từ ngân hàng
Vợ chồng Thủy Tiên, Công Vinh nhận bản sao kê từ ngân hàng

Luật sư của vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên cũng cho biết, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tin tưởng vào quá trình giải quyết của các CQCN, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cùng với đại diện pháp lý của mình, đang và sẽ tiếp tục tiến hành tố cáo lên CQCA, đồng thời khởi kiện đối với các cá nhân có hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh.

“Chuyến từ thiện của vợ chồng tôi đi miền Trung, tổng chi theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương là 178 tỷ 542.000 đồng. Nhiều người nói sau khi đi từ thiện, tài khoản của Tiên vẫn mở và có rất nhiều tiền vào thì chúng tôi đã in sao kê sau đó 3 tháng và chỉ có hơn 4,4 triệu”, Công Vinh chỉ vào sao kê và nói. Trong khi đó, Thủy Tiên khẳng định, cô chỉ dùng số tài khoản này để nhận quyên góp từ thiện miền Trung.

Chưa đủ căn cứ chứng minh tiền từ thiện có bị thất thoát?

Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, với số tiền lên đến hơn 178 tỷ mà chỉ livestream một cách chóng vánh, chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện này, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận.

Bởi, thực tế sao kê tài khoản ngân hàng chỉ thể hiện thông tin về các khoản tiền chuyển đến, các khoản tiền chuyển đi hay rút ra, cũng như tổng số tiền đã tiếp nhận trong một khoảng thời gian. Khi tiền do ngân hàng quản lý, muốn rút ra, chuyển đi hay để lại đều có chứng cứ, để lại dấu vết qua sao kê tài khoản. Vì thế, việc công khai sao kê chỉ chứng minh được một phần sự minh bạch trong hoạt động từ thiện đó là giai đoạn nhận tiền và rút tiền ra từ ngân hàng.

“Khi số tiền mặt đã được rút ra, rơi vào tay người tổ chức từ thiện, lúc đó tự họ quản lý và thiếu sự giám sát nên dễ phát sinh tiêu cực, khó phát hiện. Vì thế, khả năng thất thoát tiền từ thiện thông qua chứng cứ sao kê là ít khả năng xảy ra”, luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, nữ luật sư này cho rằng, số tiền đó có thất thoát hay không thì cần phải xem xét cả một quá trình từ lúc nhận tiền bằng tài khoản cho đến khi số tiền đó chuyển đến người được thụ hưởng. Quá trình di chuyển của đồng tiền được thực hiện qua thời gian nào, các bước nào, việc kiểm soát được thực hiện như thế nào đó mới là vấn đề thể hiện sự minh bạch trong hoạt động từ thiện.

Bởi vậy, để có kết luận sự việc có sai phạm hay không, số tiền có bị thất thoát hay không, chỉ có cơ quan chức năng như: CQTT, CQĐT phối hợp với kiểm toán Nhà nước, xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, có tính pháp lý.

Ngoài ra, cũng cần xem xét làm rõ các giấy xác nhận về việc giải ngân số tiền đó. Nếu người xác nhận không có thẩm quyền hoặc không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền, không trực tiếp nhận số tiền đó thì các giấy chứng nhận xác nhận không có giá trị pháp lý, không phản ánh đúng sự việc.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động