Cần chấm dứt việc săn bắn, giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã để cắt đứt nguồn lây vi-rút
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin trên được bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến Ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 và hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật giữa lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự (CSO) về môi trường và bảo tồn như Change, PanNature đối thoại với lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Thú y, Cảnh sát môi trường… về biện pháp ngăn chặn sự lây lan Covid 19 từ động vật hoang dã.
Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, mặc dù, Bộ Y tế và các nhà khoa học Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào được công bố về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và vi-rút Corona chủng mới gây dịch Covid -19 này. Tuy nhiên các văn bản của Bộ Y tế đều trích dẫn các công bố báo cáo chi tiết về dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định vi-rút Corona chủng mới (SARS-COV-2) bắt nguồn từ động vật hoang dã. Trong đó, các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ cho SARS-COV-2 nhưng vật chủ trung gian chưa được xác định.
Điều đáng ngại là tại Việt Nam, lâu nay tập quán ăn thích thịt thú rừng, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở khắp mọi miền rất nhức nhối. Hầu hết tại bất cứ tỉnh, thành nào đó đều tồn tại những nhà hàng, quán ăn kinh doanh, buôn bán, giết thịt, chế biến món ăn từ động vật hoang dã.
|
Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, thống kê từ năm 2018 đến ngày 31-5-2019 cho thấy, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; xử lý hình sự 41 vụ với 38 bị can, đã xét xử 27 vụ với 27 bị cáo, mức án cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam; xử lý hành chính 519 vụ.
Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là hoạt động rửa nguồn gốc, trà trộn động vật hoang dã từ tự nhiên với động vật hoang dã gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán. Chính điều này đã tạo nguy cơ lớn cho việc phát sinh dịch bệnh nguy hiểm đối với con người.
Về những mối nguy hại của động vật hoang dã với sức khỏe con người, bác sỹ Nguyễn Trọng An dẫn chứng: Ở nước ta từ trước đến nay cũng đã có nhiều người bị chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã, báo chí cũng đã đưa nhiều tin bài về các vụ người dân bị chết tập thể sau khi ăn thịt con Nưa (giống “Trăn 9 lỗ mũi” ở vùng núi Tây Nguyên, Kiên Giang).
Câu chuyện nhiều người bị mắc viêm phổi nặng phải cứu chữa sau khi ăn cua đá ở khe suối các tỉnh miền núi phía Bắc do bị nhiễm các loại như vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên, nhưng đó vẫn là những cá thể hoặc nhóm cá thể bị lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, không nên đổ lỗi cho động vật hoang dã. Một mình những con vật này không gây ra sự truyền Coronavirus cho người. Việc lây nhiễm Covid-19 (cũng như SARS) từ các loại động vật sang người là do có sự can thiệp của con người với động vật hoang dã. Do vậy cần có các biện pháp ngăn ngừa các can thiệp gây hại của con người để bảo vệ các loài động vật hoang dã.
“Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần thiết phải có những can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các vi-rút, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người”, Bác sỹ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
|
Trước đó, liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Để góp ý vào Dự thảo Chỉ thị này, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng đã gửi tới liên Bộ NN&PTNT, TN&MT, TT&TT, Công an tham gia đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo thực hiện tốt hoạt động ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Trong đó, Trung tâm này kiến nghị 3 vấn đề cần thực hiện trong Chỉ thị.
Thứ nhất, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong công tác bảo vệ động vật hoang dã cũng như ngăn chặn, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã cần được tăng cường.
Thứ hai, căn cứ xây dựng chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cần được dựa trên đánh giá khách quan liên quan đến tác động đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Thứ ba, chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã cần được xây dựng và đảm bảo thực thi nghiêm ngặt.
Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 3-2020), Việt Nam chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, hoàn chỉnh và cụ thể quy định đặc thù về việc bảo vệ động vật hoang dã. Khung pháp lý về bảo vệ động vật hoang dã cũng như ngăn chặn, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã, bác sỹ Nguyễn Trọng An nêu rõ.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (Change) cho rằng: “Nếu không ngăn chặn được thói quen sử dụng động vật hoang dã, thì dù khung pháp lý có chặt chẽ đến đâu cũng rất khó thực hiện”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại