Cần bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe của người lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giữa lợi ích trước mắt (về kinh tế) và lợi ích lâu dài (về sức khỏe của người lao động) trong giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay |
Đảm bảo chế độ phúc lợi cho người lao động làm thêm giờ
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là về thời giờ làm thêm trong 1 tháng. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ có 2 loại ý kiến về nội dung này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà chưa cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ.
Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.
Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 ý kiến tán thành phương án 1 và 5/18 ý kiến tán thành phương án 2.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tiếp thu ý kiến của đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và thể hiện Điều 2 của dự thảo theo hướng: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 1 năm không quá 300 giờ (Điều 1), tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này gồm:
Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, Điều 98 Bộ luật Lao động quy định tiền lương làm thêm giờ được trả tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm theo mức như sau, thấp nhất vào ngày thường ít nhất bằng 150%, vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của người lao động được nâng lên một bước khi phải làm thêm quá mức luật định, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định:
Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động” tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.
Rà soát thêm các doanh nghiệp mong muốn tăng giờ làm thêm
Có ý kiến tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vẫn bày tỏ mong muốn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề nghị tăng giờ làm thêm lên 72 giờ. Đây là giải pháp tạm thời, dù không muốn, nhưng là vấn đề rất cần thiết, các khảo sát cho thấy phần đa người lao động và DN đều đồng tình theo đề xuất của Chính phủ. Trên thực tế, do sức ép thời gian hoàn thành đơn hàng, hầu hết DN đều trực tiếp thoả thuận với người lao động, nhưng thoả thuận ngấm ngầm, nên đôi khi quyền lợi người lao động không được đảm bảo.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng thể hiện sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Dẫn số liệu thống kê, Chủ tịch VCCI cho hay hơn hai tháng qua đã có hơn 6 triệu ca nhiễm Covid-19, nếu 1 ca nghỉ 10 ngày sẽ tổn thất hơn 60 triệu ngày công. Chỉ trong 23 ngày đầu tháng 3 này cũng có gần 40.000 ca nhiễm mỗi ngày, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của nền kinh tế. Do đó, theo ông Phạm Tấn Công, nới trần làm thêm giờ không phải là ưu đãi cho DN, mà là cần thiết cho nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hiện nay, “hậu Covid-19” đang là vấn đề lớn đặt ra và không phải người lao động nào sau khi khỏi Covid-19 cũng có thể duy trì được trạng thái sức khỏe, tâm lý tốt để bắt tay ngay vào làm việc. Ngoài ra, trong suốt thời gian Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết này, cá nhân Chủ tịch Quốc hội không nhận được văn bản nào của DN, hiệp hội DN gửi tới đề nghị nâng trần thời gian làm thêm giờ trong một tháng lên đến 72 giờ.
Hơn nữa, bên cạnh chính sách về thời giờ làm thêm của người lao động, chúng ta còn nhiều chính sách khác để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 như chính sách ưu đãi, thu hút người lao động trở lại làm việc. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giữa lợi ích trước mắt (về kinh tế) và lợi ích lâu dài (về sức khỏe của người lao động) trong giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế lưu ý phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá các di chứng “hậu Covid-19” ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo rà soát thêm các DN mong muốn tăng giờ làm thêm của người lao động để bảo đảm cung cấp đủ đơn đặt hàng, nhằm giải quyết hài hòa giữa lợi ích của DN và người lao động. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại