Thứ hai 25/11/2024 18:56

Cách nào để hạn chế việc học sinh đánh bạn?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ việc học sinh V.V.T.K, lớp 7C, Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần dẫn đến chấn thương tâm lý, hoảng loạn khiến dư luận băn khoăn. Điều đáng nói, khi vụ việc bị phát hiện, em K sau khi đi khám chữa bệnh quay trở lại trường học lại tiếp tục bị một bạn dọa đánh khiến em càng hoảng loạn, lo lắng, sợ đi học…
Hình ảnh em V.V.T.K (lớp 7C Trường THCS Đại Đồng, Hà Nội) bị các bạn cùng khối đánh Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh em V.V.T.K (lớp 7C Trường THCS Đại Đồng, Hà Nội) bị các bạn cùng khối đánh Ảnh cắt từ clip

Chậm trễ trong xử lý vụ việc

Trong suốt thời gian nghỉ hè năm 2023, em V.V.T.K bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần. Do sợ các bạn, K không báo cho các thầy, cô giáo và gia đình nên tận ngày 16/9/2023, gia đình và nhà trường mới biết sự việc trên.

Ngày 21/9/2023, K có những biểu hiện sang chấn tâm lý nên gia đình đã đưa đến BVĐK huyện Phúc Thọ để thăm khám. Ngày 25/9/2023, gia đình đưa K đến trường học. Ngày hôm đó, K tiếp tục bị một bạn dọa đánh dẫn đến hoảng loạn, lo lắng và gia đình đã đưa đến Bệnh viện Nhi TƯ thăm khám. Kết quả, K bị rối loạn phân ly.

Theo nguyện vọng của K, gia đình đã đưa con đến trường học nhưng khi gặp các bạn, tinh thần của K thêm căng thẳng, hoảng sợ, cần phải theo dõi nên huyện đã liên hệ với Văn phòng Tư vấn và Trị liệu Tâm lý trẻ em - Cục Trẻ em để hỗ trợ điều trị tâm lý cho cháu K. Nhà trường, gia đình các bên đang tập trung động viên, thăm hỏi và điều trị để cháu K nhanh bình phục.

UBND huyện Thạch Thất cho biết, ngày 20/9/2023, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng đã triệu tập họp Hội đồng kỷ luật nhà trường, có sự tham dự của các thành viên Hội đồng, các cháu học sinh có liên quan và các phụ huynh. Các học sinh đã nhận ra lỗi, các gia đình của học sinh đánh cháu K cũng đã nhận trách nhiệm trước gia đình cháu K; các bên gia đình thống nhất xin nhà trường cho các cháu học sinh (đã đánh bạn) đi học bình thường.

Đến ngày 17/10/2023, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp, xét kỷ luật: tạm cho nghỉ học ở trường có thời hạn (4 ngày) đối với các học sinh đánh cháu K để kết hợp các biện pháp giáo dục khác. Đồng thời, nhà trường họp với các gia đình có học sinh vi phạm và gia đình cháu K thống nhất phương án giải quyết.

Đây không phải là vụ việc hi hữu và các vụ việc học sinh đánh bạn đã, đang xảy ra khá nhiều. Không ít nạ̣n nhân của bạo lực học đường thậm chí đã tìm đến cái chết để được giải thoát để lại nỗi đau xót cho gia đình và xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm sao trị tận gốc nạn bạo lực học đường? Ứng xử ra sao với những học sinh đánh bạn?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, có thể thấy những học sinh đánh bạn không hiểu biết pháp luật, không ý thức được về việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. Các em đánh bạn và có thể là cả những em chứng kiến, quay clip đều tưởng rằng việc đó là bình thường, mà không lường được hết hậu quả xảy ra với bạn và với mình. Học sinh cấp 2 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng, như thế là không được.

Cách xử lý thế nào cho thấu đáo?

Tại nhiều vụ việc, phản ứng của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu chậm, chưa kể có việc làm giảm nhẹ sự việc xảy ra. Cách xử lý không thấu đáo, không sáng suốt sẽ tiếp tục dung túng những hành vi sai phạm sau này.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vẫn cần có hình thức xử phạt nặng đối với hành vi đánh đập bạn để cảnh báo cho các học sinh khác biết suy nghĩ khi hành động và biết chịu trách nhiệm, trả giá cho hành động đó. Ngoài việc gia đình phải chịu phạt hành chính, bồi thường cho người bị hại, nên có hình thức để học sinh phải lao động công ích, hoặc một hình thức nào khác để học sinh đền bù cho việc làm sai trái bằng hành động thiết thực chứ không phải lời xin lỗi suông, còn người lớn thì đứng ra xin, bao che cho học sinh. Bên cạnh đó, những học sinh đánh bạn cũng cần được “trị liệu”. Những đứa trẻ vấp ngã phải được trị liệu để hiểu ra sai trái và thay đổi.

Những em tham gia đánh bạn và những em chứng kiến phải tường trình, lập biên bản. Hiệu trưởng phải là người lắng nghe kỹ, nắm rõ từng chi tiết sự việc, phân tích đúng, sai một cách nghiêm khắc, công minh và dựa trên các ý kiến góp ý mà quyết định hướng xử lý sai phạm.

Hiệu trưởng phải thành lập hội đồng kỷ luật ngay sau đó, có quyết định kỷ luật đối với học sinh, những người liên quan. Sự việc phải trở thành bài học để giáo viên chủ nhiệm trao đổi, thông tin đến từng học sinh để các em hiểu rằng không được bạo hành, làm tổn thương thân thể, tinh thần người khác.

Theo anh Cao Quang Minh - phụ huynh một học sinh lớp 8 tại Hà Nội cho rằng, mỗi khi xảy ra các vụ việc thì nhà trường chỉ biết mời phụ huynh đến làm việc. Khi ấy các em thường tỏ ra hối lỗi. Phụ huynh thì cứ xin tha thứ. Họ mong cho con mình một cơ hội để sửa sai. Gia đình bị hại lại mủi lòng. Nhà trường, với bản tính nhân đạo nên lại xử theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Cuối cùng các hình phạt thường là quá nhẹ so với lỗi của các em gây ra. Thành thử học sinh đánh nhau bây giờ không biết sợ là gì cả...

Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều. Vụ này chưa xử lý xong, lại tiếp tục có vụ khác. Nhiều phụ huynh thì tỏ ra hoang mang vì nạn bạo lực học đường. Họ không hiểu sao học sinh bây giờ đánh nhau như những kẻ côn đồ. Các vụ việc ngày càng đáng sợ và đáng báo động. Sở dĩ các em học sinh này không sợ vì chưa có vụ nào xử lí nghiêm khắc cả. Chưa đủ sức răn đe thì các em sẽ không sợ gì cả. Chính vì vậy mà các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Cô T.M.L (giáo viên một trường THCS tại Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, là một giáo viên, tôi biết nếu nghiêm khắc quá với các em là không nên. Không nên dồn các em vào đường cùng. Khi ấy cánh cửa tương lai của các em sẽ bị đóng lại. Nhà trường cần cho các em cơ hội để sửa sai. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giải quyết quá nương tay, các em sẽ “nhờn”. Nhiều em bây giờ không còn biết sợ là gì nữa. Các em coi thường pháp luật. Do vậy, dẫu buồn nhưng chúng ta vẫn phải làm. Cần xử lí nghiêm các vụ bạo lực học đường. Đó là điều tốt đẹp về sau cho các em. Có thể phạt hành chính, phạt buộc thôi học một năm. Thời gian ấy, phụ huynh cần quan tâm giáo dục và uốn nắn cho các em.
Đình chỉ học sinh đánh bạn, khó giải quyết tận gốc được vấn đề?
Vụ học sinh đánh bạn trong lớp ở TP Cẩm Phả: Yêu cầu đình chỉ Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm
Điều tra vụ học sinh đánh bạn rồi tung nhiều clip lên mạng ở Thanh Hóa
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động