Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại với giáo viên: Dự kiến tăng ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà giáo. Ảnh: MOET |
Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành giáo dục sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà giáo.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho hay gần 2.000 ý kiến đề nghị về chế độ chính sách giáo viên. Giáo viên phản ánh tiền lương rất thấp so với mức sống của toàn xã hội, dù có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người phải làm thêm ngoài giờ lên lớp nên hạn chế việc tự học, trau dồi chuyên môn.
Rất nhiều ý kiến gửi về phản ánh về chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đang theo quy định là chưa phù hợp.
Cô Lê Thị Tuyết Hường - giáo viên trường Mầm non Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho rằng thời gian làm việc của giáo viên mầm non thay vì 8 tiếng như quy định thì nhiều giáo viên đang phải làm việc 10-11h/ngày. Do đó, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình. Tuy nhiên, mức lương của giáo viên mầm non chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống.
Cô Dương Thị Thanh Hồng - giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh chia sẻ vấn đề, lương giáo viên hiện chưa theo chuẩn trình độ đào tạo, gây thiệt thòi cho nhiều người, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non nên giữ ở mức 55 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ hành chính trường học có mức lương rất thấp nhưng không có nguồn thu gì thêm. Cô Hồng đề xuất xếp lương cấp mầm non tương quan với các bậc học khác và có thêm phụ cấp cho đội ngũ hành chính trường học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã thống nhất với Bộ Nội vụ dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học. Mức tăng này đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Bộ trưởng hy vọng việc tăng phụ cấp sẽ giúp bù đắp cho các giáo viên.
Bộ trưởng khẳng định rất thấu hiểu với giáo viên mầm non khi phải lao động nặng nhọc nhưng chế độ chính sách và thu nhập chưa tương xứng với công sức. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu tiên ngoài lương cho giáo viên mầm non chứ không phải không quan tâm, như phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu khi chuyển công tác, phụ cấp thâm niên,… Tuy nhiên tất cả những chính sách đó cộng lại thì mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập, đặc biệt thấp so với công sức mà các cô giáo bỏ ra.
"Số giờ lao động của giáo viên mầm non đang quá nhiều, không có thời gian chăm sóc gia đình. Một số tỉnh và địa phương có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để bù đắp thù lao cho số giờ làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non nhưng thiếu chính sách ổn định, bền vững cho vấn đề này", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thêm: "Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý".
Về ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa đối tượng giáo viên mầm non vào đối tượng nặng nhọc để giữ nguyên tuổi hưu của nữ là 55. Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên trì kiến nghị việc này, đồng thời kiến nghị giữ nguyên các chính sách để đảm bảo thu nhập, tránh sự thiệt thòi cho giáo viên mầm non cao tuổi.
Cuộc gặp của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với giáo viên toàn quốc diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn về đội ngũ. Trong khi cả nước thiếu hơn 110.000 giáo viên ở các cấp thì 3 năm qua, hơn 40.000 giáo viên bỏ việc vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, công việc nặng nhọc, áp lực cao.
Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục gặp gỡ với các giảng viên đại học.
Để học sinh không cảm thấy sợ môn Toán |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại