Thứ hai 06/05/2024 14:57

Bỏ điều trị, 2 mẹ con sản phụ tử vong vì biến chứng của bệnh lao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với một bệnh nhân mắc bệnh lao nếu được điều trị kịp thời, đầy đủ thì hoàn toàn có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, do cộng đồng còn thiếu hiểu biết nên có sự kỳ thị, người bệnh không tuân thủ nên vẫn có những hậu quả đau lòng. Gần đây nhất là trường hợp sản phụ cùng thai nhi tử vong do bỏ điều trị.

Kể về câu chuyện đau lòng này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, GĐ BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia day dứt: Bệnh nhân nữ H.T.N 33 tuổi trú tại xã An Lập, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, nhập viện ngày 23-4 trong tình trạng suy kiệt, đau đầu dữ dội, ý thức kém, đang mang thai tuần thứ 24.

Bệnh nhân N được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do lao màng não, lao phổi, lao ruột biến chứng gây ra. Trước đó, bệnh nhân này đã điều trị lao ruột từ tháng 2-2020 nhưng về nhà bỏ điều trị, không uống thuốc.

Ngày 3-5, dù phải thở máy, hôn mê, phản xạ hầu như không có, bệnh nhân vẫn hạ sinh bé trai ở tuần thai thứ 27 với sự trợ giúp kịp thời của các y, bác sĩ BV Phụ sản Trung ương. Mặc dù các bác sĩ đã rất nỗ lực để giành giật sự sống cho bé, nhưng vì thể trạng suy kiệt, bé đã tử vong vào chiều ngày 5-5. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu... Gia đình đã làm đơn xin về nhà.

bo dieu tri 2 me con san phu tu vong vi bien chung cua benh lao
Bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy nhưng không qua khỏi do biến chứng nặng từ lao ruột/màng não/phổi biến chứng. Ảnh: V.N

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ: Điều xót xa và đáng buồn là sự vô cảm-xa lánh từ chính người chồng của bệnh nhân. Khi phát hiện vợ mình mắc lao ruột từ tháng 2-2020, người chồng đã im lặng, bỏ một mình vợ lại BV, đi không tăm tích; để lại nỗi đau tâm hồn và thể xác cho người vợ trẻ bệnh nặng đang mang thai và đứa con thơ 8 tuổi. Đến nay gia đình nhà chồng cũng hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm với người con dâu mang bệnh nặng.

“Giá như bệnh nhân N và người nhà có những kiến thức cần thiết về bệnh lao, giá như bệnh nhân N không bỏ thuốc, tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ thì có lẽ giờ đây câu chuyện đã khác-cái giá phải trả cho 2 sinh mạng là quá đắt! Sẽ thật tốt nếu xã hội có cái nhìn đúng đắn về bệnh lao và chỉ khi không còn kỳ thị thì mới thật sự chấm dứt được căn bệnh này. Kỳ thị người mắc bệnh lao cũng là một tội ác”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chua xót.

TS. Bác sĩ Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Lao hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết thêm, khi chuyển đến BV Phổi, bệnh nhân này được chẩn đoán phát hiện thêm lao phổi/lao ruột. Sau một thời gian điều trị, BV chuyển và hướng dẫn quản lý điều trị tiếp tục lao tại địa phương. Nhưng vì những khó khăn, rào cản từ phía cá nhân, gia đình nên bệnh nhân đã không tiếp tục việc điều trị, dẫn đến bệnh tiến triển sang lao màng não.

Mặc dù các bác sỹ đã nỗ lực cấp cứu với mong muốn có thể cứu được cả mẹ và con nhưng em bé sinh non và không sống được do tuổi thai quá nhỏ, tim, phổi chưa phát triển hoàn thiện nên dù đã được chăm sóc tại BV Phụ sản Trung ương cháu bé cũng không qua khỏi. Mẹ cháu bé trong tình trạng suy kiệt thể chất, lao phổi, lao màng não, nguyên nhân sâu xa do việc không duy trì điều trị thuốc lao trước đó, lúc đến BV trong tình trạng quá nặng nên cũng không cứu nổi.

“Đây thực sự là một trường hợp đáng tiếc khi lẽ ra chúng ta đã có thể cứu được cả mẹ và cháu nếu bệnh nhân trước đó có thể duy trì việc điều trị bệnh lao”, bác sĩ Nguyễn Kim Cương nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Cương, lao là một bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn lao Mycobacteria.tuberculosis. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao đứng thứ 13 trên thế giới, cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do lao so với các bệnh khác.

Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các cơ quan, hay gặp nhất ở phổi. Ngoài ra, còn ở các cơ quan khác lao màng não là thể lao nặng nhất tỷ lệ tử vong, di chứng cao so với các thể lao khác. Lao ruột ít gặp, ảnh hưởng nặng nề tới tình trạng hấp thu dinh dưỡng của bệnh nhân. Không được phát hiện, điều trị kịp thời, biến chứng có thể khiến lao từ một cơ quan thành nhiều cơ quan.

Biểu hiện thường gặp của lao phổi là ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, gầy sút cân, vã mồ hôi về đêm, sốt nhẹ về chiều; lao ruột biểu hiện các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện; lao màng não biểu hiện bằng sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, cho tới liệt các dây thần kinh vận động mắt, cơ mặt, rối loạn cơ tròn biểu hiện đại tiểu tiện không tự chủ…

Các dấu hiệu trên nhiều trường hợp không rõ ràng, làm cho người bệnh, người nhà người bệnh không chú ý. Các dấu hiệu, triệu chứng trên cũng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh do đó các bác sỹ cũng có thể bỏ sót nếu không nghĩ tới bệnh lao, đây là một thực tế, điều này dẫn tới bệnh nhân mất đi cơ hội được chẩn đoán và điều trị ở những giai đoạn sớm khi bệnh còn nhẹ.

Nếu được phát hiện sớm, khả năng khỏi bệnh với những trường hợp lao do vi khuẩn nhạy cảm thuốc lên tới 95%, lao kháng đa thuốc tỷ lệ khỏi cũng lên tới 65%-70%, do đó được phát hiện và điều trị sớm là hết sức ý nghĩa với người bệnh cũng như nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Để tránh những biến chứng đáng tiếc, bác sĩ Nguyễn Kim Cương khuyến cáo, những người đang điều trị bệnh lao cần tìm đến cơ sở y tế, cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để có được một chẩn đoán sớm, đúng và được nhận một phác đồ điều trị lao chuẩn. Đồng thời, cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh lao để có thể khỏi bệnh cho bản thân, tránh nguy cơ lao lan tràn cho chính mình và lây nhiễm cho cộng đồng.

Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động