Bệnh nhân Covid-19 số 237 nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 12-2019 và đi nhiều nơi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp). Ngày 26-3, bệnh nhân bị tai nạn và được chở vào Bệnh viện Việt Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó quay lại khách sạn. Ngày 31-3, bệnh nhân bị chảy máu mũi nhiều, được người nhà đưa sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được khám và chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Sáng 1-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Chiều 3-4 tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đã báo cáo cụ thể về trường hợp này.
Cụ thể, bệnh nhân này nhập cảnh vào Việt Nam từ 19-12-2019, nằm ngoài đối tượng theo dõi lấy mẫu. Khi nhập cảnh, trường hợp này ở 90 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ; sau đó có đi một số địa điểm và đến ngày 22-3 thuê ở tại Sao hotel; trả phòng vào ngày 30-3.
Ngày 26-3, người này bị tai nạn và được cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Việt Pháp chữa trị, sau đó quay về khách sạn. Ngày 31-3, bệnh nhân có hiện tượng chảy máu mũi và khách sạn có đưa vào Bệnh viện Đức Giang. Ngày 1-4, bệnh nhân được đưa sang Viện huyết học-Truyền máu Trung ương, được xét nghiệm dương tính với Covid -19.
“Ở Bệnh viện Đức Giang rồi đến Viện huyết học-Truyền máu Trung ương, trường hợp này đều có gây rối”, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
|
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin thêm, trường hợp này nhập cảnh vào Việt Nam ngày 19-12-2019 qua cửa khẩu Mộc Bài, và đã đi rất nhiều nơi, về Hà Nội ngày 12-3-2020. “Trường hợp này vẫn nằm trong diện phải rà soát. Nhưng cách mà chúng ta rà soát lại chỉ nhìn vào thời điểm nhập cảnh mà không chú ý thời gian quay lại” - lời ông Chung.
Từ trường hợp này, Chủ tịch UBND TP nêu 2 giả thiết: Thứ nhất, trường hợp này ủ bệnh từ trước; khi về Hà Nội từ ngày 12-3 đến khi phát bệnh là 20 ngày và “TP đã thông tin nhiều lần ở các cuộc họp là thế giới đã cảnh báo thời gian ủ bệnh không chỉ 14 ngày mà có thể dài hơn”.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh về giả thiết thứ 2: “Trường hợp này về Hà Nội đi lại rồi bị lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thành phố - nghĩa là trên dịa bàn phải có người dương tính khác. Như vậy là rất nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn. Như vậy các điểm đi đến và người tiếp xúc ở quận Tây Hồ, Long Biên, cấp cứu 115, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học… đều phải cách ly”.
Cảnh báo về mối nguy cơ này, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Các đồng chí phải lưu ý tất cả các trường hợp có yếu tố người nước ngoài; đi từ vùng dịch về; có yếu tố Bạch Mai; ho sốt… thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải đặc biệt lưu ý, phải cách ly lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Bài học ở Hồng Ngọc còn nguyên giá trị.
Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở công tác rà soát: “Không chỉ nhìn ngày nhập cảnh mà phải hỏi rõ đi đâu làm gì; về Hà Nội lúc nào để làm rõ quá trình”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại