Bất cập trong tổ chức đào tạo và thi sát hạch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRất nhiều môi giới bất động sản không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề do không “sợ” phạt. Ảnh minh họa |
Nhiều môi giới vẫn thờ ơ với quy định
Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định: cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Bộ Xây dựng triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Đối với việc cấp chứng chỉ môi giới, Bộ Xây dựng bắt đầu triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Trước đây đã từng có quy định tương tự, nếu người làm môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề có thể bị phạt đến 60 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng có mấy ai kiểm tra đâu, cũng chưa có ai bị phạt nên dần dần không còn để ý đến nữa. Phần lớn nhiều nhân viên môi giới khác cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc học để lấy chứng chỉ hành nghề. Bởi đa phần những môi giới thành công đều trải qua kinh nghiệm thực tế. Từ thực tế là cách đào thải tốt nhất, phân loại những ai trụ lại được và không thể tiếp tục theo đuổi công việc này. Chứng chỉ hành nghề đối với người làm môi giới BĐS là quan trọng, nhưng khi đi tiếp thị, bán hàng thì rất hiếm khi khách hàng hỏi loại giấy tờ này.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), việc tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới BĐS, yêu cầu tất cả cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới và hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc dịch vụ môi giới BĐS là một bước vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.
Theo quy định pháp luật mới về kinh doanh BĐS, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS là một trong những điều kiện cần để dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều.
Theo ghi nhận của VARS và phản ánh của hội viên, các khóa học đào tạo được quảng cáo “nhanh chóng, chăm sóc từ học tới thi”. Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo các quy định pháp luật mới nhất. Bài kiểm tra đánh giá để cấp giấy chứng nhận cũng chỉ mang tính hình thức.
Đáng chú ý, các khóa học như kể trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chí bị học viên “ngó lơ" do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.
Môi giới bất động sản không “sợ” phạt
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Cụ thể, rất nhiều môi giới BĐS không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề do không “sợ” phạt.
Theo đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng”, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường BĐS sơ khai, nhiều “cò đất" còn không biết tới các quy định mới này.
Đến thời điểm hiện tại, Luật mới đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ tỉnh/thành nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Bởi theo quy định pháp luật mới, trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ được chuyển sang UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương - đơn vị không có kinh nghiệm, không có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều khả năng môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận chứng chỉ bởi các địa phương vẫn “e ngại", chưa sẵn sàng thực thi.
VARS cho rằng, để các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ. UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.
Do đó, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm. Nhà nước cần nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ. Và có các cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp.
Quy định cá nhân làm môi giới BĐS phải có chứng chỉ đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhưng một bộ phận không nhỏ người hành nghề còn chưa tuân thủ. Nhiều môi giới BĐS vẫn thờ ơ với quy định phải có chứng chỉ hành nghề. |
Quy định hợp thửa đối với nhà dưới 15m2 không đủ điều kiện tồn tại từ ngày 7/10 | |
Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại