Thứ ba 16/07/2024 12:45
Phát triển kinh tế xanh – Phát triển bền vững

Bài cuối: Hà Nội tích cực trong việc chuyển đổi số để chuyển đổi xanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp bán dẫn là xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng cũng phải hành động nhằm tạo ra không gian phát triển mới, cơ hội tăng trưởng mới với tốc độ cao và bền vững.
Bài cuối: Hà Nội tích cực trong việc chuyển đổi số để chuyển đổi xanh
Hà Nội đổi mới từng ngày trong kỷ nguyên số. Ảnh: Vũ Lê

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội

Trong chương trình hành động của Chính quyền và người dân Thủ đô thì mục tiêu đặt ra là: “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với định hướng phấn đấu đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Chuyển đổi số được xác định là động lực giúp Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Trên nền tảng hiện có, đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”.

Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là nền tảng để TP Hà Nội hướng đến mục tiêu “số hóa” trên các lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Nhờ quyết liệt trong chuyển đối số nên hiện tại, Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Những thành quả bước đầu là động lực để chính quyền Hà Nội phấn đấu thực hiện tiếp các mục tiêu trọng điểm như: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP Hà Nội về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ và thành phố; 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Từ sự thay đổi ở chính quyền số, TP Hà Nội cũng triển khai đồng bộ chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, Thủ đô Hà Nội tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7% đến 7,5%, hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố.

Trong khi đó, ở lĩnh vực xã hội số, Hà Nội phấn đấu thu hẹp khoảng cách số bằng cách: Hạ tầng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Hà Nội sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng vào năm 2030.

Hà Nội sẽ là đô thị xanh, đô thị thông minh

Có thể thấy rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh. Chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ bảo đảm cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và tất nhiên đó cũng là nhiệm vụ cũng như quyết tâm của chính quyền và người dân TP Hà Nội.

Điều này đã được thể hiện trong Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-7-2011.

Quyết định này thể hiện việc muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thì đều nằm trong sự thay đổi mà cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 mang lại. Thủ đô Hà Nội đang đặt ra mục tiêu các xã, thị trấn, huyện phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; hệ thống giao thông công cộng đang dần được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, để Hà Nội hoàn toàn có điều kiện phát triển Thủ đô Xanh - Hiện đại - Thông minh.

Như vậy, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng gồm: Vùng đô thị trung tâm; Vùng đô thị phía Đông; Vùng đô thị phía Bắc; Vùng đô thị phía Tây; Vùng đô thị phía Nam. Hệ thống đô thị được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển sông Hồng trở thành không gian mới; trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng. Áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô” để tạo cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa).

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có mô hình quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển. Đồng thời, dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng tại phía Nam (khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên) để nghiên cứu phát triển Cảng hàng không thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Với mục tiêu là đô thị xanh, đô thị thông minh nên trong các đồ án quy hoạch chi tiết phát triển cho các huyện ngoại thành, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh điểm phát triển theo xu hướng tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao.

Tuy nhiên, không phủ nhận những tồn tại trong công tác xây dựng đô thị xanh ở thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt là tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra….

Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, với vai trò và vị trí của Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nên Hà Nội cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế xanh làm hình mẫu cho các địa phương khác.

Hà Nội cần xác định cụ thể mô hình kinh tế xanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng xanh, giảm tỷ trọng năng lượng hoá thạch, phát triển nông nghiệp xanh, đô thị xanh, chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng xanh hoá, xây dựng và triển khai hợp lý hệ thống giao thông xanh, phát triển hệ thống sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững, bảo đảm tài chính xanh, ngân hàng xanh cùng với các tuyến phố xanh, cảnh quan môi trường sạch, nguồn nuóc sạch.

Hà Nội cũng cần xây dựng lộ trình phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, tái chế rác thải, phát triển kinh tế tuần hoàn và các giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong hệ sinh thái xanh, bền vững của Thủ đô thanh lịch, xanh, sạch, đẹp, văn minh, bền vững.

Chỉ có vậy thì đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội mới có thể xứng tầm là hình ảnh đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là thành phố toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng - Hạnh phúc; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến.

Bài 1: Chuyển đổi xanh năng lượng để phát triển kinh tế xanh Bài 1: Chuyển đổi xanh năng lượng để phát triển kinh tế xanh
Bài 2: Những khó khăn, thách thức Bài 2: Những khó khăn, thách thức
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động