Thứ bảy 23/11/2024 07:16
Đổi mới giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh:

Bài 2: Thiết kế chương trình môn học các cấp hợp lý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trong những vấn đề của đổi mới giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục chính là thiết kế nội dung, chương trình môn học phù hợp.

Tăng cường hình thức giáo dục số với các lớp lớn và sinh viên ĐH

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo. Thực hiện tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, kỹ năng mềm, giá trị sống, tinh thần làm việc nhóm, công dân toàn cầu vào các môn học, hoạt động giáo dục.

Tăng cường cung cấp nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên internet, mạng xã hội. Khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời cán bộ, giáo viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã tích cực xây dựng các bài giảng, clip, tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa.

Bài 2: Thiết kế chương trình môn học các cấp hợp lý
Thiết kế chương trình giáo dục đạo đức phải phù hợp với từng cấp học (Ảnh tư liệu)

Bài giảng phù hợp với các cấp học dưới

Trên thực tế, việc thiết kế chương trình môn học đối với từng cấp cũng được tính đến, nhất là trong bối cảnh sách mới chương trình mới.

Năm 2020, lần đầu tiên, chương trình sách giáo khoa mới sẽ chính thức được áp dụng ở lớp 1. Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục hiện hành.

Ví dụ từ tranh ảnh, câu chuyện, đến các đoạn trích đều phù hợp với học sinh lớp 1, từ đó, giúp học sinh cảm nhận, hiểu bài và tự tìm ra thông điệp cho chính mình. “Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt nội dung và hoạt động dạy học’ - GS.TS Huỳnh Văn Sơn là chủ biên sách giáo khoa Đạo đức, bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" cho biết.

Song song với chương trình, phải đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh như: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, trên cơ sở lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức công dân; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn. Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, phát triển theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh.

Trước đây thì giáo dục chủ yếu cung cấp kiến thức hàn lâm, ít gắn kiến thức đã học với thực tiễn, ít chú trọng rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự học, kĩ năng nghiên cứu, sáng tạo. Tiếp cận 4 trụ cột về giáo dục của UNESCO, thì cần chú trọng hướng dẫn học sinh các kĩ năng học tập, làm việc như: phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho các em học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Tiếp theo đó phải tăng cường giáo dục các kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử nhằm giúp học sinh có thái độ và hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo hướng tích cực, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, biết ứng phó, tránh xa cái xấu (ví dụ kĩ năng làm chủ bản thân, chống lại sự cám dỗ của các tệ nạn xã hội, kĩ năng ứng phó với một tình huống bạo lực…).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình liên tục xuyên suốt tất cả các cấp học và là một phần của giáo dục suốt đời. Tu dưỡng là một quá trình không giới hạn và đạo đức là một khoảng liên tục cần phải hoàn thiện không ngừng.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng trong thời đại ngày nay cần phải nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị. Chúng ta không chỉ thích ứng, đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn phải nhận thấy, vun đắp, kiến tạo các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới.

Những giá trị chân, thiện, mỹ của thời kỳ chuyển đổi số cũng không còn giống hoàn toàn với chân thiện mỹ của thời kỳ truyền thống. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số đạo đức của sự kết nối và chia sẻ là điều mà chúng ta cần phải nhận diện, tác động cho trúng và đúng.

Đạo đức mà chúng ta cần bàn phải gắn liền với thực tiễn. Các giá trị cần phải được cụ thể bằng hành vi, thấm nhuần trong hoạt động chứ không chỉ là trong các quy định. Ở đó, phương pháp, cách thức vẫn là những khâu quan trọng.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động