Bài 1: “Phải từ ánh mắt đến trái tim”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐừng biến những kiến thức kinh viện thành khô, nhạt
Tiến sĩ Trần Bách Hiếu, Bí thư Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Phó Trưởng Bộ môn Chính trị học, Khoa Khoa học Chính trị chia sẻ về giáo dục lí tưởng cách mạng, chính trị cho thế hệ trẻ rằng: Tôi dạy “Tư tưởng Hồ Chí Minh” – một môn học bắt buộc trong khối giáo dục ĐH. Nhưng tôi luôn trăn trở là phải làm thế nào để giáo dục được tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lý tưởng sống cho các bạn đoàn viên sinh viên trong trường, không bị rơi vào tình trạng khô Đoàn nhạt Đảng, xa rời chính trị - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thì từ các cấp trong trường, đặc biệt là sự chủ động của đoàn trường, chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hoạt động để giáo dục chính trị, tư tưởng và cần rất nhiều sự đổi mới.
Sự vận động của xã hội đang rất nhanh chóng với quá nhiều thông tin. Bây giờ thanh niên sinh viên có rất nhiều sự thu hút bởi nhiều tổ chức khác, trò chơi khác, trào lưu khác. Nếu giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức mà chỉ chăm chăm sách vở, lời nói thông thường, thực sự không còn hiệu quả nữa.
Hiện nay, giáo dục phải thông qua chính trải nghiệm, thông qua cảm nhận “từ ánh mắt đến trái tim” – Tiến sĩ Trần Bách Hiếu nói. Vì thế, 5 năm qua, đoàn Trường KHXH&NV luôn có hoạt động đưa sinh viên đi tham gia những hành trình tri ân, đến các địa chỉ đỏ, các cung đường huyền thoại cùng các cựu chiến binh của Hà Nội. Hàng trăm sinh viên đã tham gia những hành trình này và quan trọng hơn là đi với những người là nhân chứng sống của lịch sử. Những hành trình thực tiễn đó đã truyền câu chuyện cảm xúc, sự rung động đến với thế hệ trẻ. Và đó chính là sự giáo dục hiệu quả hơn cả.
Những bài giảng hay đến mức nào, cũng chỉ 45 đến 90 phút trên giảng đường, chứ không đánh vào được con tim, khối óc của sinh viên như những gì thực tế trải nghiệm. Sự trưởng thành về nhận thức của các bạn ấy qua những chuyến đi thực tiễn này rất đáng quý. Ai cùng sẽ trưởng thành nhưng hãy trưởng thành nhanh hơn có thể để giúp ích của xã hội. Và đoàn trường nhân văn cho rằng, đoàn phải góp sức trong sự trưởng thành ấy của đoàn viên, sinh viên của trường.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng HCM phải thực tiễn, không thể là những bài học giáo điều kinh viện được. Nếu cứ giáo dục cho các em bằng những bài học khô khan giáo điều, thì hiệu quả của giáo dục tư tưởng chính chị không thể có được. “Nên cá nhân tôi cũng cho rằng, giáo dục cho người trẻ, cổ vũ người trẻ phấn đấu vào Đảng trước tiên là phải ở nhận thức, nhận thức ấy không phải cứ lên lớp, đọc nguyên sách vở mà ra được. Tôi cho là chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là giường cột, căn cốt của Đảng, nhưng khi giáo dục truyền tải hiện nay cần mềm hóa, làm nó sống động hơn để đến với người trẻ thì việc giáo dục chính trị tư tưởng tôi cho là chưa thành công” – TS Trần Bach Hiếu chia sẻ.
|
Mở rộng giáo dục qua các câu lạc bộ
Ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định: Cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường luôn xác định nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, thân thiện cho đoàn viên - sinh viên sinh hoạt; góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, vun đắp những ước mơ, hoài bão cao đẹp, từ đó giúp sinh viên xác định được động cơ, thái độ và phương pháp đúng đắn trong học tập, rèn luyện.
Để bắt nhịp cùng với sự phát triển của xã hội, cũng như bám sát mục tiêu giáo dục toàn diện cho sinh viên, hiện nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thành lập rất nhiều Câu lạc bộ (CLB) để sinh viên tham gia sinh hoạt. Trong đó có 15 CLB, tổ, đội trực thuộc Đoàn thanh niên, 25 CLB, tổ, đội trực thuộc Hội Sinh viên và 20 CLB trực thuộc các Khoa, Liên chi đoàn được chia thành 3 mảng hoạt động chính: Tình nguyện, học thuật và sở thích, chuyên môn.
Các CLB tiếp tục là “kênh” giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống, đạo đức cho đoàn viên- sinh viên được Trường ĐH Kinh tế quốc dân đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Hà chia sẻ: Phong trào “Sinh viên 5 tốt” sẽ tiếp tục được nhân rộng với nhiều hình thức như: diễn đàn trên mạng xã hội, trang tin điện tử, ngày hội “Sinh viên 5 tốt”; thiết kế poster tuyên truyền, các sản phẩm bút, vở, lịch, sổ tay; tuyên truyền thông qua tuần sinh hoạt công dân, chuyên san của nhà trường.
Các CLB, tổ, đội vào cuộc đổi mới, hình thành nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh của sinh viên qua triển khai các hoạt động tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, hướng về biển đảo…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn nhận định: Giới trẻ ngày nay dành nhiều thời gian xem video trực tuyến, chơi game online và tham gia mạnh mẽ vào các mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội được người dùng thường xuyên và phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam như Facebook, Zalo, YouTube... là con đường tốt nhất để tiếp cận và truyền tải thông tin tới giới trẻ.
Tổ chức Đoàn trong các trường học có thể lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên vào các thông điệp truyền thông hiện đại. Nhà trường, giáo viên, tổ chức Đoàn chủ động tận dụng sự phát triển của công nghệ, thiết kế các thông điệp nội dung hấp dẫn, cập nhật dưới dạng video, trò chơi trực tuyến, các bài báo tương tác đa phương tiện và truyền tải thông qua những phương tiện truyền thông phù hợp.
Đối với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, làm thế nào để thầy thích dạy, trò thích học, trò mong muốn làm theo, mong muốn các giá trị đó trở thành niềm tự hào của chính con người mình”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại