Thứ năm 02/05/2024 16:39

Bài toán thiếu trường lớp ở Hà Nội sắp được giải quyết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với số lượng học sinh tăng quá nhanh, năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội. Năm học này chưa kết thúc nhưng chuyện tuyển sinh vào năm tới tại Hà Nội đã nóng lên. Số lượng học sinh vào các cấp đều tăng mạnh. Học sinh vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm nay là hơn 446.000 em. So với năm 2022, số học sinh tăng thêm tới gần 51.000 học sinh.
Bài toán thiếu trường lớp ở Hà Nội sắp được giải quyết
Mỗi năm, Hà Nội lại có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa cần thêm ít nhất 20 trường công lập. Thành phố đã nhìn thấy trách nhiệm phải đảm bảo đủ trường học công lập. Theo Nghị quyết 02 của HĐND Thành phố, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 139 trường.

Mỗi năm, Hà Nội cần thêm ít nhất 20 trường công lập

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm học 2022 - 2023, TP có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng.

Tại quận Hoàng Mai - địa phương có dân số đông nhất Thủ đô, năm học 2022-2023, quận có 89 trường (48 mầm non, 23 tiểu học, 18 THCS) với 2.048 lớp học (tăng 79 lớp so với năm ngoái). Tổng số học sinh của quận hiện là 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập (tăng gần 3.800 so với năm ngoái).

Để đảm bảo đúng quy định về số học sinh/lớp theo quy định, ngành Giáo dục quận Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (22 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 1 trường THCS).

Đặc biệt, phường Hoàng Liệt trở thành “siêu phường” trong nhiều năm nay với dân số hiện tại trên 80.000, hàng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Thế nhưng, hiện phường chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, do vậy các trường luôn trong tình trạng quá tải.

Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, sau 20 năm hình thành, khu này đã có tới 30 tòa chung cư nhưng đến giờ cũng chưa có bất cứ một trường công lập nào. Tại nhiều khu đô thị lớn của Hà Nội hiện nay, trường công lập không có nhưng lại mọc lên nhiều trường dân lập. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước nhưng lại dồn gánh nặng chi trả lên người dân.

Vừa qua, dư luận đã chứng kiến cảnh “dở khóc, dở cười” tại Trường Mầm non Hoàng Liệt. Do nhu cầu học cho trẻ đúng tuyến cao hơn gấp đôi khả năng đáp ứng, nên hàng trăm phụ huynh tại phường Hoàng Liệt đã phải bốc thăm “may rủi” để giành suất học cho con.

Ngoài quận Hoàng Mai, Hà Nội còn có một số nơi khác rơi vào tình trạng quá tải như quận Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Nhiều khu đô thị mới với hàng loạt cao ốc “mọc lên” tiềm ẩn nguy cơ quá tải trường lớp nghiêm trọng vì xây trường không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân cư.

Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy là trường chuẩn quốc gia nhưng sĩ số còn lâu mới đạt chuẩn. Theo quy định, một lớp tối đa là 35 em nhưng có lớp tại đây lên đến 56. Còn tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, vì quá đông nên mỗi giờ thể dục, chỉ một nửa số em có cơ hội xuống sân trường.

Mỗi năm, Hà Nội lại có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa cần thêm ít nhất 20 trường công lập. Thành phố đã nhìn thấy trách nhiệm phải đảm bảo đủ trường học công lập. Theo Nghị quyết 02 của HĐND Thành phố, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 139 trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội thường cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Sĩ số học sinh tiểu học ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp, nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện một số phường ở Hà Nội hết quỹ đất xây trường công lập. Một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá đông nên vẫn không đủ chỗ học. Sở đang đề xuất giải pháp cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng. Bên cạnh đó, tận dụng các tầng hầm đảm bảo an toàn cho học sinh để tăng diện tích cho các trường học đang bị quá tải. Các trường có thể bố trí học sinh học ở các tầng thấp, các phòng chức năng, phòng dành cho cán bộ, giáo viên ở tầng cao.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội đô. Với các khu đô thị mới, có cơ chế ràng buộc để các nhà đầu tư dành quỹ đất và xây dựng hạ tầng cho các trường công lập nếu trong khu vực chưa có trường công lập.

Tại quận Hoàng Mai để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục xây dựng trường lớp theo các ô quy hoạch. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến xây dựng 2 trường tại các ô đất có diện tích 7.400m2 và 1.934m2 cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non.

Bên cạnh đó, quận cũng huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục.

Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp, Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Theo UBND TP Hà Nội, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành Giáo dục của TP Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ GD&ĐT quy định là 7.134 biên chế.

Năm học 2022-2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số viên chức ngành Giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy, năm học này, TP thiếu 10.265 biên chế viên chức. Trong đó, số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người.

Hà Nội chi 2.500 tỷ đồng xây dựng 7 trường phổ thông nhiều cấp học

Năm học mới này, TP dự kiến sẽ bổ sung 2.361 biên chế viên chức giáo viên, trong đó có 600 giáo viên tiểu học, 1.309 giáo viên THCS, 452 giáo viên THPT.

Bài toán thiếu trường lớp ở Hà Nội sắp được giải quyết
Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại. Theo đó, 7 trường phổ thông nhiều cấp học “tiên tiến, hiện đại” sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào quý IV/2025 với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng được lấy từ ngân sách

Trước mắt, TP ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho 13 quận, huyện: Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh. Đây là các đơn vị có số lượng học sinh tăng, số biên chế giáo viên được giao thiếu nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo ông Trần Thế Cương, sở đang có kiến nghị, xem xét cho phép Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát triển mã ngành đào tạo giáo viên phục vụ nhu cầu giáo viên trên địa bàn TP. Nếu việc này được thực hiện, Hà Nội có thể "đặt hàng" để đào tạo giáo viên ở các môn học, cấp học còn thiếu…

Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại. Theo đó, 7 trường phổ thông nhiều cấp học “tiên tiến, hiện đại” sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào quý IV/2025 với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng được lấy từ ngân sách.

Việc lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đề xuất phân kỳ đầu tư nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư của các dự án, phù hợp với khả năng bố trí vốn của ngân sách thành phố, ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình phục vụ học tập.

Kế hoạch cũng bao gồm nội dung tổ chức việc thi tuyển phương án kiến trúc tuân thủ đúng quy trình, quy định hiện hành; lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư; triển khai đầu tư 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng bảo đảm tiến độ, chất lượng, quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Để hoàn thành tốt các nội dung này, UBND thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan tham mưu, trình UBND thành phố phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô đào tạo của 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại.

Đối với những tiêu chuẩn cao hơn so với quy định hiện hành, Sở GD&ĐT xin ý kiến Bộ GD&ĐT trước khi trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, các đơn vị, địa phương liên quan thống nhất xây dựng cơ chế quản lý, mô hình tổ chức, cách thức vận hành, tuyển dụng, lựa chọn lãnh đạo quản lý và giáo viên.

Trước đó, theo kế hoạch dự thảo được công bố để lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 28/3/2023, mỗi trường liên cấp có tối đa 68 lớp, trong đó tiểu học 20 lớp, THCS và THPT mỗi cấp 24 lớp. 7 trường liên cấp dự kiến đặt tại quận Hà Đông và huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất.

Ngoài khu phòng học và các phòng thiết yếu, các trường sẽ có sân thi đấu trong nhà, sân tập võ, aerobic, cầu lông, sân tennis, bóng rổ, bóng đá, bể bơi, phòng gym, yoga, phòng sáng tạo nghệ thuật, khu cắm trại và hoạt động ngoài trời.

Theo dự thảo, mỗi trường cần 130 giáo viên, 44 nhân viên. Để quản lý và vận hành 68 lớp học, ban giám hiệu các trường này sẽ có 5 thành viên, trong đó một hiệu trưởng, một hiệu phó phụ trách chung, mỗi hiệu phó còn lại quản lý một cấp học.

Kể cả được thông báo trúng tuyển sớm, thí sinh dự xét tuyển Đại học vẫn cần cẩn trọng Kể cả được thông báo trúng tuyển sớm, thí sinh dự xét tuyển Đại học vẫn cần cẩn trọng
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động