Thứ hai 13/05/2024 08:23

Bà Dung và quầy sách miễn phí truyền cảm hứng đọc...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ 1 tờ báo và 1 tấm biển “Mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí” vào đầu tháng 2-2017, đến nay, quầy sách, báo miễn phí của bà Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi, nguyên giảng viên triết học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đặt tại phần đất trống đối diện số nhà 55 Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội) đã có hàng nghìn đầu sách cũ, mới, với sự ghé thăm của đông đảo bạn đọc gần xa.

Quầy sách ngoài trời của bà Dung còn được nhiều độc giả gọi một cách trang trọng là “thư viện đặc biệt” vì có nhiều đầu sách quý. Quầy sách được mở từ 6g-22g hàng ngày. Thói quen thức dậy thật sớm để lau chùi tủ kính, sách báo, sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị nước uống cho bạn đọc đã trở thành thói quen của bà hơn 1 năm nay.

Bà Dung chia sẻ, những năm tháng làm giảng viên đã giúp bà thấy được tầm quan trọng của sách báo trong đời sống hàng ngày. Ý tưởng mở quầy sách báo miễn phí xuất hiện vào năm 2016, khi bà 50 tuổi Đảng, hàng ngày được cấp phát một tờ báo. Nghĩ một mình đọc báo thì tiếc nên bà nhờ con trai dựng một lán nhỏ tại sân gò Đống Đa, mang báo ra đó cùng với tấm biển làm bằng 3 miếng gỗ, đề dòng chữ: “Mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí”.

Nhiều người qua đường vì hiếu kỳ đã ghé xem, sau đó, càng ngày càng có nhiều người đến với quầy sách báo của bà hơn, có khi là các cháu học sinh, sinh viên, khi lại là người cao tuổi, người lao động,… Ai đến cũng say sưa đọc sách, xem báo, có người còn mượn sách của bà về đọc tại nhà rồi mang trả. Bà bảo, quầy sách này không phải của riêng mình bà mà là của nhân dân, là nguồn tri thức vô giá bà muốn giữ gìn.

Thông qua quầy sách, bà muốn truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Bà lý giải, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều cháu nhỏ hiện nay được bố mẹ chiều chuộng cho chơi điện thoại thông minh, máy tính nên chỉ biết đến trò chơi điện tử mà lãng quên việc đọc sách – thói quen giúp mọi người tích lũy được những kiến thức sách vở, xã hội quý báu, giúp học sinh, sinh viên học tập tốt hơn.

ba dung va quay sach mien phi truyen cam hung doc
Bà Dung thường dậy sớm để lau chùi, sắp xếp lại quầy sách. ẢNH: H.GIANG

Hiện nay, số lượng đầu sách tại thư viện ngoài trời của bà Dung đã lên đến con số gần 1.000, phần lớn là được các độc giả tặng. Không chỉ tặng sách, nhiều độc giả khi biết đến hiệu sách của bà còn mang cả ô che, quạt điện, tủ sách… đến tặng để bà có đồ dùng phục vụ độc giả. Bà nhớ mãi kỷ niệm về hai sinh viên chở vài trăm cuốn sách tặng bà cùng lúc. “Trời nắng chang chang nhưng hai cháu sinh viên đã không quản ngại đường xa vất vả mang sách đến tặng tôi. Thật sự tôi cảm thấy rất xúc động và trân trọng những cuốn sách, công việc của mình hơn”, bà Dung tâm sự.

ba dung va quay sach mien phi truyen cam hung doc

Bà Phạm Thị Huyền Dung mong muốn quầy sách của mình sẽ truyền cảm hứng văn hóa đọc cho nhiều độc giả.

ẢNH: H.GIANG

Chia sẻ về những khó khăn trong hơn 1 năm duy trì và phát triển quầy sách báo, bà Dung cho biết, ban đầu, nhiều người tỏ ra ngại ngùng khi đến đọc sách bởi họ thấy lạ khi có người cho đọc sách báo miễn phí. Có người còn nói ra nói vào rằng đằng sau công việc này của bà chắc có điều gì đó khuất tất. Sau đó, thấy thái độ niềm nở, chân thành của bà, nhiều người quý mến, thường xuyên đến với quầy sách của bà hơn. Từ đó, bà cũng có thêm nhiều người bạn chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Để những độc giả cao tuổi đọc sách, báo thuận lợi, bà còn mua cả kính lão phục vụ họ. Vì thế, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ trước tấm chân tình của bà chủ mến khách.

Khó khăn nữa chính là kinh phí để mua sách, báo hàng ngày cho độc giả. Nhận thấy nhiều người ham đọc sách, bà Dung đều đặn trích tiền lương hưu mua sách, báo. Vì là quầy sách ngoài trời nên việc bảo quản sách báo cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, cứ tối đến, bà Dung thường mang sách về nhà để tránh mưa bão làm ướt và mốc sách. Sau này, quầy sách có thêm tủ, ô che nên bà chỉ cần quây bạt lại. Có lần, vì mải quây sách tránh mưa dông, bà bị ngã nhưng nhất định ở lại làm nốt công việc vì sợ con làm qua loa. Biết can ngăn mẹ cũng không được nên các con chỉ biết ủng hộ niềm yêu thích của mẹ.

Đến với quầy sách của bà Dung, mọi người không chỉ được đọc sách miễn phí tại đó mà còn được mượn sách về nhà. Bà Dung luôn chuẩn bị sẵn một quyển sổ ghi lại tên tuổi, địa chỉ, ngày mượn, ngày trả, số điện thoại của những người mượn sách. Bên cạnh những người trả đúng thời hạn thì vẫn còn nhiều người lợi dụng lòng tốt của bà Dung mượn sách về nhưng không mang trả. Bà kể có người đến mượn của bà hơn chục cuốn sách, mãi không mang trả, bà gọi điện thì bảo là bao giờ đọc xong mới trả.

Nghe những lời đó, bà rất buồn, không phải vì bà tiếc của mà bà buồn vì nhiều độc giả rất muốn đọc những cuốn sách đó nhưng không có. Và còn buồn vì bà đã trao lòng tin nhầm chỗ. Có người cho số điện thoại nhưng đó không phải là số liên lạc họ dùng… Tuy nhiên, khi nhìn lại thành quả hơn 1 năm gây dựng và giữ gìn quầy sách, cùng với niềm vui của mọi người khi đến đọc sách báo, bà Dung lại cảm thấy ấm lòng.

Để có được quầy sách ý nghĩa này, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của bà Dung, còn là sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của nhiều độc giả tặng sách và sự hỗ trợ nhiệt tình của cấp ủy chính quyền. Bà mong mọi người khi đến đọc sách báo sẽ tiếp thu được những thông tin trong nước và quốc tế, hiểu hơn những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó sẽ sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Bà cũng hy vọng sẽ có thật nhiều quầy sách báo miễn phí trên khắp mọi miền Tổ quốc để văn hóa đọc được giữ gìn và phát triển về sau.

Hồng Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động