Án chung thân cho ông chủ “đa cấp” gọi rót vốn vào các dự án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo các cơ quan tố tụng, từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2016, Nguyễn Thế Anh, SN 1979, thành lập Cty CP Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (Cty 68, Thế Anh là GĐ); Cty CP Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (Cty 868, Thế Anh là TGĐ). Các Cty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh nhà hàng, các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, du lịch, bán lẻ trong siêu thị, trung tâm thương mại, chế biến cà phê nhưng 2 Cty không kinh doanh các dịch vụ như đăng ký kinh doanh.
Sau đó, Thế Anh đã sử dụng danh nghĩa Cty 68 và Cty 868 mở các chi nhánh, văn phòng tại các tỉnh, TP, kêu gọi người dân ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh để xây dựng hệ thống cà phê Nấm Linh Chi đỏ; xây dựng chuỗi cà phê, chuỗi siêu thị mini tự chọn và online, chuỗi nhà hàng, cửa hàng vật tư nông nghiệp, tour du lịch. Theo đó, nhà đầu tư nộp tiền đầu tư vào 2 Cty theo các gói 12,6 triệu đồng, 24,6 triệu đồng, 36,6 triệu đồng, 72,6 triệu đồng, 84,6 triệu đồng và các gói khác. Tham gia đầu tư vào Cty 68, Cty 868, người đầu tư sẽ được lấy thẻ uống cà phê VIP, dự các cuộc họp, tận hưởng những chuyến du lịch do Cty tổ chức và được hưởng lợi nhuận (lãi suất) rất cao.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. |
CQĐT kết luận, thực chất, đây là huy động vốn của nhà đầu tư, sử dụng tiền của nhà đầu tư sau trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước. Cùng với việc đưa ra mức lợi nhuận rất cao, để khuyến khích nhiều người tham gia, Thế Anh đưa ra chính sách thưởng hoa hồng với những ai giới thiệu được khách hàng mới. Anh ta cũng chỉ đạo nhân viên Cty tổ chức các sự kiện rầm rộ, tổ chức 2 tour du lịch tại Đà Lạt, Thái Lan… Trong các hội nghị khách hàng, các tour du lịch Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn Thông, SN 1954, Phó GĐ Cty 868, đưa ra các thông tin quảng bá về hoạt động Cty, giải thích cách thức tham gia đầu tư, khen thưởng, tặng quà những người tích cực đầu tư, nhằm lôi kéo nhiều người hơn nữa tham gia đầu tư vào Cty; trong đó đưa ra các thông tin không đúng sự thật để khách hàng tin tưởng.
Để lôi kéo các nhà đầu tư, Thế Anh tự giới thiệu mình là đại diện cho một nhãn hàng cà phê Organo-Gold tại Việt Nam, với thứ bậc trong hệ thống phân phối là Diamond Blue (kim cương xanh), đang mua bán cà phê và được hưởng lãi suất cao. Nhưng anh ta không kinh doanh cà phê mà chỉ mua cà phê mang nhãn hiệu của Mỹ làm quà cho các nhà đầu tư, dùng cho nhà đầu tư uống miễn phí khi đến chi nhánh, văn phòng thuộc Cty 68 và Cty 868.
Cty 868 giới thiệu kinh doanh siêu thị, nhưng thực tế chỉ mở một siêu thị ở TP HCM, siêu thị này vừa hoạt động thì nhiều khách hàng đến đòi nợ nên đã phải đóng cửa. Hàng hóa bị đem trả cho các nhà đầu tư để trừ nợ. Cựu TGĐ này cũng “dựng chuyện” Cty của mình tham gia khai thác mỏ cao lanh trữ lượng lớn, có thể khai thác đem lại lợi nhuận.
Về việc này, CQĐT kết luận, ông Nguyễn Văn Thanh, bố đẻ của bị cáo có mảnh đất trồng rừng, được Nhà nước giao tại Hòa Vang, TP Đà Nẵng nghi có cao lanh, nhưng chưa có cơ quan Nhà nước nào cấp phép. Đáng nói, trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Thế Anh ký với khách hàng đều nêu hợp tác đầu tư để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tour du lịch... Tuy nhiên, các Cty trên không có nhà hàng, khách sạn nào, mà chỉ thuê khách sạn để làm văn phòng, nơi nghỉ miễn phí cho các nhà đầu tư tại Đà Lạt và Thái Lan.
Cơ quan tố tụng kết luận, từ tháng 7-2015 đến tháng 2-2016, Ngô Thế Anh và các đồng phạm đã thu của các nhà đầu tư hơn 323 tỷ đồng. Đến nay, đã trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư hơn 203 tỷ đồng, còn lại hơn 120 tỷ đồng, anh ta chiếm đoạt và chỉ đạo sử dụng hết. Quá trình điều tra, có 603 bị hại đã đến khai báo, tường trình về số tiền đã nộp vào công ty của Thế Anh. Họ đề nghị được bồi thường số tiền bị chiếm đoạt.
Giúp sức cho Thế Anh có Nguyễn Văn Hiển, SN 1983, Phó TGĐ Cty 868. Hiển khai, tháng 9-2015, Hiển tham gia vào Cty 868 và được Nguyễn Thế Anh giới thiệu là Phó TGĐ Cty 868 với hứa hẹn chia 5% lợi nhuận của Cty 868. Hiển đã nhận hơn 13 tỷ đồng của Cty 868, các chi nhánh, văn phòng và sử dụng để mua cà phê trên thị trường cung cấp cho các Chi nhánh, văn phòng, thuê trang trí các quán, biển quảng cáo tại các quán cà phê của các chi nhánh, văn phòng; thuê địa điểm tổ chức sự kiện, mua vé máy bay cho nhân viên…và đã giúp sức cho Nguyễn Thế Anh chiếm đoạt hơn 59,7 tỷ đồng.
Bị cáo buộc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trình bày trước tòa, tại tòa, Thế Anh cho rằng, không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo có đầu tư tham gia hệ thống cà phê của Mỹ. Tiền thu được từ các nhà đầu tư trong nước, bị cáo có chuyển cho bên phía Organo. Nhưng do cơ chế thay đổi, không kích hoạt nên bị cáo không làm nữa. Như lời Thế Anh, bị cáo quản lý kém. Trong khi đó, các bị hại đề nghị các bị cáo trả tiền và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Do đó, HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên Thế Anh án tù chung thân, Thông 16 năm tù, Hiển 14 năm tù và 11 bị cáo khác mức án từ 24 tháng tù đến 11 năm tù; tòa còn tuyên buộc Thế Anh phải bồi thường hơn 100 tỷ chiếm đoạt.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại