Thứ năm 25/04/2024 08:52

97 người bị “đánh cắp” giấc mơ xuất ngoại vì chiêu trò của cặp đôi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dùng chiêu xuất khẩu lao động sang Úc, cặp đôi đã qua mặt 97 bị hại và lừa họ với số tiền lớn rồi “cao chạy xa bay”…
97 người bị “đánh cắp” giấc mơ xuất ngoại vì chiêu trò của cặp đôi

Doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ- ảnh minh hoạ

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Lại Thị Vân, SN 1980, quê Thái Bình; Phạm Bá Trạc, SN 1959, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 174, khoản 4, điểm a – BLHS năm 2015.

Các cơ quan tố tụng làm rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2017 đến tháng 4-2020, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố cáo Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục xin cho họ đi xuất khẩu lao động tại Úc nhưng sau khi nhận tiền Vân, Trạc không làm thủ tục gì để xin cho họ đi xuất khẩu lao động tại Úc như đã cam kết. Khi bị hại đến đòi tiền thì Trạc, Vân bỏ trốn và chiếm đoạt số đã nhận.

Cụ thể, từ năm 2015-2017, Phạm Bá Trạc và Lại Thị Vân dù không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Úc nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu với nhiều người là Lại Thị Vân nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Phạm Bá Trạc là cán bộ cấp cao trong cơ quan Nhà nước, có nhiều mối quan hệ có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Úc.

Trạc, Vân cam kết người đi xuất khẩu lao động tại Úc sẽ được lao động từ 2-4 năm với mức lương khoảng từ 3.000-4.000 USD/1 tháng. Người lao động phải nộp tiền chi phí từ 5.000 USD-30.000 USD tùy theo vào từng công việc: lao động làm mía đường có chi phí từ 5.000-10.000 USD/lao động, lao động hái cà chua với chi phí từ 20.000 USD-30.000USD/lao động. Sau khi nộp tiền đặt cọc (từ 2.000-10.000 USD) khoảng 3 tháng thì người lao động được xuất cảnh sang Úc lao động và phải nộp nốt số tiền còn lại.

Để mọi người tin tưởng, Trạc, Vân đã đưa họ đến phòng làm việc của Phạm Bá Trạc tại một cơ quan Nhà nước. Tin tưởng thông tin Trạc, Vân đưa ra là thật nên có nhiều người thuộc nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nộp tiền và hồ sơ cho Vân, Trạc để nhờ Vân, Trạc làm thủ tục cho họ hoặc cho người thân của họ đi xuất khẩu lao động tại Úc.

Sau khi nhận tiền, Phạm Bá Trạc, Lại Thị Vân tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An, Hà Nội. Cặp đôi đã thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm học tiếng Anh tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA, tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội và thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho người lao động tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA. Người lao động được đưa đến phố Lò Đúc, Hà Nội, làm các thủ tục lăn tay, chụp ảnh… để làm visa, nhằm mục đích tạo niềm tin và kéo dài thời gian chờ đợi của người lao động.

Tuy nhiên, Trạc và Vân đã không làm thủ tục gì để đưa họ đi xuất khẩu lao động tại Úc. Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được đi xuất khẩu lao động đến đòi tiền. Trạc, Vân viết cam kết sẽ trả lại tiền nhưng sau đó không trả mà bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Ngày 11-7-2020, Phạm Bá Trạc đến Cơ quan điều tra đầu thú. Ngày 3-2-2021, Lại Thị Vân bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan công an. Tại Cơ quan điều tra Trạc, Vân khai nhận về hành vi phạm tội của mình như trên.

Cơ quan tố tụng xác định, Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc đã lừa đảo chiếm đoạt của 97 bị hại với tổng số tiền hơn 29,3 tỷ đồng. Các bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án yêu cầu Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của họ.

Người tham gia xuất khẩu trước hết phải tìm hiểu các quy định của Nhà nước về vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Trong đó, lưu ý đến quy trình tuyển dụng, đào tạo cũng như quyền và lợi ích mà mình được hưởng khi tham gia xuất khẩu lao động. Nếu thông qua một doanh nghiệp, một Cty nào đó thì phải thẩm định xem Cty đó có chức năng xuất khẩu lao động hay không. Các quy định trong hợp đồng có đúng pháp luật hay không. Nếu sai phải có ý kiến với các cơ quan chức năng ngay.

Thực tế, có một số Cty tuyển dụng nói chỉ phải nộp tiền theo quy định, nhưng đến khi ký hợp đồng thì lại "thêm nếm" nhiều khoản tiền khác. Người lao động phải hỏi rõ những khoản phát sinh đó là như thế nào. Nếu không, khi xảy ra tranh chấp, người lao động sẽ thiệt thòi. Ngoài ra, nhất thiết phải tránh thông qua tầng lớp trung gian. Nhất là trường hợp "cò" lao động qua các Cty không có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo người lao động, thu tiền trái phép...

Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động