50 năm ký ức và Đài tưởng niệm Khâm Thiên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCách đây 50 năm, hồi 22 giờ 45 phút đêm 26/12/1972, phố Khâm Thiên đã bị máy bay của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm, làm chết và bị thương 577 người dân vô tội, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà và làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác… Tổng cộng cuộc tập kích không quân chiến lược tháng 12 của đế quốc Mỹ đã huy động hơn 663 máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom các loại… |
Cũng trong đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. |
Để tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ, một hoạ sỹ đã thực hiện bức tượng bằng đất dựa trên hình ảnh người mẹ ấy. Bức tượng khắc hoạ người mẹ đau thương nhưng không thể khóc, dẫm đạp lên bom Mỹ. Năm 1997, tượng đài được đúc bằng đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng, đặt lên vị trí tượng cũ và đổi tên là: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên”. Tượng xi măng được cất giữ nguyên vẹn vào phòng lưu niệm ngay trên nền của 3 ngôi nhà cùng trưng bày với các ảnh về Khâm Thiên. |
Dù cuộc sống đã hồi sinh ngay sau đó, 50 năm sau, nỗi đau thương từ trận bom rải xuống Khâm Thiên vẫn còn nhức nhối lòng người. Thời gian qua đi, người dân Khâm Thiên vẫn ghé thăm nơi này để thắp hương tưởng nhớ bà con, hàng xóm cũ và những thường dân vô tội. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau với người dân Khâm Thiên chưa bao giờ nguôi ngoai. Hàng năm, cứ vào ngày 26/12, người dân Khâm Thiên lại làm lễ giỗ chung cho 287 người dân vô tội, người dân ở nhiều nơi cũng tìm về địa điểm này để thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng 50 năm trước. |
Bà Võ Thị Hợp (85 tuổi, Khâm Thiên) nhớ lại: "Nhà tôi 5 người nằm trong bể nước cạn nước như cái hầm tránh bom khi nghe tin Mỹ ném bom. Trong thời gian ấy, chồng tôi đạp xe Thống Nhất chở tôi và mẹ tôi đi sơ tán, bố mẹ chồng và 4 người con đi sơ tán ở Yên Dũng (Hà Bắc). Sáng 27/12, tôi về nhìn ngõ chợ Khâm Thiên, thấy cau bắp cải lẫn với từng mảnh thi thể, nghĩ đến là đau xót lắm. Nhà tôi ở ngay 149 Khâm Thiên, hàng ngày đi qua nhìn đài tưởng niệm lại nhớ đến ngày ấy, may mắn nhà mình sống sót nhưng chỗ đầu ngõ Giếng, đằng sau nhà tôi thì chết nhiều nhất. Hàng xóm chết cả 9 người, cả bố mẹ, 5 đứa con, hai vợ chồng. Cứ mỗi ngày rằm với mùng 1 là tôi lại ra thắp hương cho những người hàng xóm". |
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Trần Thị Kim Liên, 92 tuổi, trú tại số nhà 3, ngõ 176, Khâm Thiên, Hà Nội vẫn còn nhớ rõ những ngày B52 trải thảm bom tại Hà Nội cuối năm 1972. Nhớ lại đêm máy bay B52 oanh tạc phố Khâm Thiên, cũng đúng vào dịp Giáng sinh, cụ vẫn còn vẹn nguyên nỗi ám ảnh. Hôm đó, cụ nghe tiếng còi báo động vội xuống hầm trú ẩm, bên trên từng trận bom dội xuống khốc liệt, quần thảo cả khu phố. Chỉ ít phút sau, phố Khâm Thiên nhà cửa đổ ngổn ngang, gạch ngói, bùn đất tung khắp nơi, người thương vong rất nhiều. Một cảnh tượng tang thương chưa từng có khiến cụ và mọi người bàng hoàng. Sau trận bom đó, trần nhà cụ cũng bị sập một mảng lớn, sau này mới gia cố lại. Vì thế, vết thương lòng theo cụ đến mãi sau này. |
Bà Chu Thị Hoà (80 tuổi, phường Khâm Thiên) nhớ lại: "Sau trận dội bom năm ấy, tôi ở dưới hầm công cộng chui lên, chứng kiến toàn bộ. Tôi và mẹ chồng ngồi sát bên hau, nhưng mẹ không được cứu kịp, tôi được cứu kịp thời nên còn sống, đi sang bên hầm hai vợ chồng em gái và chồng, thì thấy 4 người thì 3 người chết, một cô bị thương cột sống là sống. Khi tôi đứng lên nhìn lại thấy xung quanh là đổ nát hết, không còn gì, nhà cửa đường xá không còn lại dấu vết nào. Tôi cũng rách hết quần áo, phải đi xin đồ để mặc lại. Người chết la liệt, thậm chí áo quan cũng không có để mà chôn. Gia đình tôi 5 người mất có mẹ chồng, chồng, 2 vọ chồng em gái và cậu em trai út nhưng chỉ có 2 áo quan, 3 người thì cho vào túi nilon". |
Chồng mất, bà Hòa trở thành góa phụ ở tuổi 30, một mình nuôi 3 người con (đứa lớn 7 tuổi, bé nhất mới lên 2). "Dù là 50, 60 hay 70 năm, tôi vẫn đau xót, khắc sâu trong tâm", niềm an ủi lớn nhất của bà là sự trưởng thành của 3 người con. |
Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, quân và dân Hà Nội đã cùng với quân và dân miền Bắc làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ. Cùng với chiến thắng vẻ vang đó, quân và dân Thủ đô đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh to lớn; trong đó phải kể đến những mất mát đau thương của người dân phố Khâm Thiên. |
Hàng năm, ngày rằm mùng 1 và ngày 26/12, không chỉ người thân của những người thiệt mạng mà cả những người dân từ mọi nơi khác đều tìm về nơi đây. |
Di tích đài tượng niệm Khâm Thiên đến nay vẫn còn nguyên vẹn những dấu tích năm xưa khi Mỹ ném bom xuống phố Khâm Thiên gây nên cuộc thảm sát kinh hoàng với người dân Việt Nam. |
Đến nay, 50 năm đã qua đi nhưng người dân Khâm Thiên vẫn thường xuyên kể cho nhau nghe những chuyện kinh hoàng, đau thương xảy ra trong đêm 26/12/1972 (còn gọi là đêm B52 Khâm Thiên). Ngay khi nghe còi báo động của lực lượng Phòng không Không quân là những tiếng nổ long trời lở đất, biến cả khu phố Khâm Thiên chìm trong biển lửa. |
Tháng 12/1972, ông Trần Hậu Tuấn (80 tuổi, ngõ Hồ Cây Sữa) đóng quân tại Hưng Yên. Đêm 16/12, ông nghe tin giặc Mỹ đánh bom Khâm Thiên. Sáng hôm sau, ông sốt ruột, mượn xe của đơn vị đạp về nơi sơ tán của gia đình ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm). Về đến nơi, khói hương đã nghi ngút. Ông Tuấn kể, đêm Noel, gia đình ông từ nơi sơ tán về nhà trên phố Khâm Thiên. 10h sáng 26/12, bố ông dặn các con đi sơ tán vì lo sợ Mỹ đánh bom. Em trai ông Tuấn khi đó đã trả lời: "Bố ơi, mai chúng con đi, vừa mới qua Noel, giặc Mỹ không đánh đâu". Nhưng đêm hôm đó, B52 san phẳng con phố Khâm Thiên. |
Bố ông Tuấn là người duy nhất trong gia đình nhận ra thi thể con cháu qua quần áo hoặc đặc điểm cơ thể. Ông đau đớn trèo lên xác B52 còn sót lại, trút giận bằng cách đập mạnh vào máy bay, căm thù tội ác chiến tranh. |
Vợ ông Tuấn bật khóc, nói: "Chỉ trong 1 đêm, gia đình tôi mất đi 5 người. Người ta cứ bảo là quên, nhưng làm sao chúng tôi quên được..." |
Bà Nguyễn Thị Thu Minh-người thường xuyên quét dọn vệ sinh Khu di tích lịch sử-văn hóa Khâm Thiên cho biết: “Các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, các đoàn khách trong và ngoài nước thường xuyên đến viếng Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Phường Khâm Thiên cử người tiếp đón, giới thiệu di tích, đặc biệt chủ động kế hoạch chỉnh trang khu di tích để tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trang trọng, chu đáo”. |
50 năm đã qua đi, chiến tranh cũng đã ngừng nhưng nỗi đau còn đó. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại