Vụ việc Chánh án TAND huyện Triệu Sơn “làm tiền” đương sự: Không để công lý dính “m&u
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhải đưa nhiều triệu việc này mới xong!
Một sự thật như đùa, tiếp tục diễn ra khi những cán bộ công tác tại TAND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã bị chính bị cáo tố cáo về hành vi “dọa nạt, làm tiền”.
Tháng 7 - 2014, Cơ quan CSĐT CA huyện Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý, phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo kế hoạch, đầu tháng 9 - 2014 sẽ đem vụ án ra xét xử. Trước khi xét xử, ông Quý nhờ bà Nguyễn Thị Niên - kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn - là người họ hàng giúp đỡ để nhằm mục đích chạy án, nhẹ tội.
Qua các mối quan hệ, cuối cùng ông Quý cũng gặp được Chánh án Lê Ngọc Hiệp, trình bày nguyện vọng xin được giúp đỡ. Nội dung đoạn ghi âm mà ông Quý cung cấp, cho thấy: Đáp lại “nguyện vọng” xin được nhẹ tội của bị cáo, Chánh án Lê Ngọc Hiệp đặt vấn đề phải đưa tiền mới giúp và hỏi bị cáo “đây được mấy triệu?”. Ông Quý cho biết có 10 triệu đồng, ông Hiệp không nhận mà hướng dẫn cầm sang phòng Thẩm phán Lê Thị Thu. Ông Quý liền hỏi 10 triệu đồng đã được chưa hay phải thêm, thì Chánh án Lê Ngọc Hiệp nói: “Một nấy chưa đủ đi tỉnh”. Đến lúc này, ông Quý nói ở đây ông có 15 triệu đồng, ông Hiệp bảo “cứ mang sang cho Thẩm phán Lê Thị Thu 10 triệu đồng rồi sang đây.”
Làm theo hướng dẫn, ông Quý sang phòng làm việc của Thẩm phán Lê Thị Thu, bà Thu cất lời: “Vì anh là người nhà của cô Niên, là người trong ngành, trong cơ quan nên bọn em mới giúp, vì tình cảm bọn em mới làm”. Ông Quý đưa 10 triệu đồng cho bà Thu, bà không nhận mà hướng dẫn gặp ông Lê Sỹ Thuần - thư ký tòa án.
Sau khi nhận 10 triệu đồng, ông Thuần hỏi ông Quý: “Tất cả bên đây chỉ có nấy đây hay đưa nữa?”, ông Quý cho biết sẽ đưa thêm, ông Thuần kết luận: “Anh vứt xuống tỉnh 20 cái, lo đây 10 cái, tổng bên đây 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật...”. Khi ông Quý xin xuống 20 triệu đồng thì ông Thuần không đồng ý. Sự việc sau đó được ông Nguyễn Bá Quý tố cáo với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Bá Quý, khẳng định nội dung tố cáo cán bộ tòa án huyện Triệu Sơn “làm tiền” là đúng sự thật.
Ảnh: Sỹ Hào
Cơ quan chức năng vào cuộc…
Xác nhận với PV về thông tin và bằng chứng nội dung cuộc nói chuyện mà ông Quý ghi âm được, Chánh án Lê Ngọc Hiệp xác nhận: Đó là “tai nạn nghề nghiệp và rất ân hận, đau khổ với việc đã xảy ra”. Ông Hiệp cũng cho biết, ông đã báo cáo vụ việc tới cấp ủy và TAND tỉnh Thanh Hóa, hiện sự việc đang chờ xác minh nên chưa có kết luận. Theo ông Hiệp, “cũng chỉ vì tình cảm, muốn giúp đỡ người nhà đồng nghiệp mà nên cơ sự này. Vậy là bao nhiêu năm cống hiến giờ tan như mây khói”.
Được biết, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc này, TAND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 3 tháng đối với các ông bà Lê Ngọc Hiệp, Chánh án TAND huyện Triệu Sơn; Thẩm phán Lê Thị Thu; thư ký tòa án Lê Sỹ Thuần là những người trực tiếp tiến hành tố tụng, đe dọa việc bị cáo mời luật sư và làm tiền bị cáo. Thời gian tạm đình chỉ công tác từ ngày 17 - 9 để Hội đồng kỷ luật TAND tỉnh Thanh Hóa xem xét hình thức xử lý kỷ luật.
Cùng ngày 17-9, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa báo cáo, làm rõ vụ việc. Chánh án Trương Hòa Bình cũng cử ông Nguyễn Anh Tiến, Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao, về Thanh Hóa trực tiếp làm việc với TAND huyện Triệu Sơn và TAND tỉnh Thanh Hóa về sự việc trên. Quan điểm của TAND Tối cao là: “Cương quyết xử lý nhanh chóng, không bao che sai phạm”.
Có thể thấy, đây là trường hợp mới nhất cán bộ án bị tố cáo về hành vi “làm tiền”, đương sự. Trước đó, ngày 30 - 6, CQĐT cũng từng bắt Nguyễn Duy Hiệp, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Hiệp về tội nhận hối lộ - nhận tiền để tuyên nhẹ tội cho một bị cáo. Ở thời điểm bị bắt ông Hiệp cũng giữ cương vị quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án TAND huyện Triệu Sơn:
“Cũng chỉ vì tình cảm, muốn giúp đỡ người nhà đồng nghiệp mà nên cơ sự này”.
Chưa thể đẩy lùi vấn nạn “chạy án”
Trao đổi với PV báo PL&XH về thực trạng “chạy án” và các trường hợp cán bộ tòa án nhận tiền hối lộ, làm sai lệch cán cân công lý, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Việc những cán bộ trực tiếp làm công tác truy tố, xét xử và thi hành án lại vì “nén bạc” mà làm thiên lệch cán công công lý, hành vi đó rõ ràng là rất nghiêm trọng. Nó làm xói mòn lòng tin vào bộ máy công quyền, ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan chức năng mang tính chất chí công vô tư, không vụ lợi. Chính vì những hành vi “chạy án” mà kẻ phạm tội có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi người vô tội có khi phải gánh hàm oan. Do vậy, việc cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra xử lý là rất cần thiết, đúng đắn.
Quyết định đình chỉ công tác đối với Chánh án Lê Ngọc Hiệp. Ảnh: Sỹ Hào
Ở đây có thể thấy cán bộ tòa án có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của người đưa hối lộ nhằm mục đích “giúp đỡ” người đưa hối lộ, trong trường hợp này là giúp ông Nguyễn Bá Quý – người bị truy tố trước tòa về tội cưỡng đoạt tài sản, theo nguyện vọng của ông Quý là muốn được nhẹ tội.
“Cụ thể, việc Chánh án, Thẩm phán, thư ký của TAND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị ghi âm việc đòi tiền bị cáo và thư ký Thuần đã nhận 10 triệu đồng của bị cáo Qúy có dấu hiệu đồng phạm của tội nhận hối lộ qui định tại Điều 279 của BLHS. Thực tế, bị cáo bao giờ cũng có tâm lý muốn được giảm nhẹ mức hình phạt theo pháp luật, nên muốn hối lộ, mua chuộc người có thẩm quyền giải quyết vụ án để được giảm nhẹ hình phạt. Còn những vị “quan tòa” không thanh liêm, thì sẽ luôn muốn lấy nhiều tiền. Việc này là chà đạp lên đạo đức xã hội, nghề nghiệp, pháp luật, công lý. Nhưng người đi hối lộ thì luôn sợ mình sẽ bị “tiền mất, tật mang” nên họ đã ghi âm các cuộc trao đổi làm việc với các vị “quan tham” để đề phòng khả năng bị “quan tham” nhận tiền xong rồi “bùng”, không “giúp đỡ” họ được như hứa hẹn.
Việc làm thế nào để chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp là việc làm vô cùng khó khăn. Chúng ta chỉ có thể làm giảm một phần nào đó, chứ chưa có thể làm triệt để được. Các biện pháp phòng và chống thì rất nhiều, nhưng điều mấu chốt là: “Những người tiến hành tố tụng phải tự đề cao đạo đức nghề nghiệp của mình, đạo lý làm người, thượng tôn pháp luật, thượng tôn công lý” thì chắc chắn các vụ việc đưa và đòi nhận hối lộ theo kiểu tòa án huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm một phần đáng kể.
Việc ông Nguyễn Bá Quý đưa 10 triệu đồng cho thư ký Thuần, theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, hành vi này cũng đã hoàn thành tội đưa hối lộ qui định tại Điều 289 BLHS. Nhưng vì ông Quý đã chủ động tố giác hành vi đòi hối lộ của các cán bộ tòa án huyện Triệu Sơn khi vụ việc chưa bị phát hiện, nên ông Quý “được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ số tiền 10 triệu đồng đã đưa hối lộ cho thư ký Thuần”. Đây là một quy định mới, đã được Quốc hội vừa bổ sung tại khoản 6 Điều 289 BLHS. |
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại