Thứ sáu 08/11/2024 18:28

Một Trưởng phòng giao dịch của Oceanbank:

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Trong vai trò Trưởng phòng giao dịch, Hằng đã tự vẽ gần 40 hợp đồng “ma” để rút tiền tỷ. Khi bị phía ngân hàng phát hiện, yêu cầu nộp lại tiền, Hằng đã cao chạy xa bay.


Năm 2010, Lê Minh Hằng (ảnh), SN 1965, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn – Chi nhánh Thăng Long của Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương (Oceanbank). Từ năm 2009 - 2011, Phòng có 3 nhân viên: Phan Hồng Danh, SN 1983, trú tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, kế toán; Trần Ngọc Sơn, SN 1982, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, kế toán ngân quỹ và Trịnh Thị Thanh Thủy, SN 1985, quê Hà Tĩnh, kế toán giao dịch. Theo các quy định, Phòng là đơn vị hạch toán báo sổ, có con dấu riêng, thực hiện nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá do Oceanbank phát hành dưới hình thức cầm cố tài sản (giấy tờ có giá). Lợi dụng vai trò Trưởng phòng giao dịch, Hằng đã lập hợp đồng khống để chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.

CQĐT làm rõ, năm 2011, Hằng sử dụng thẻ lưu tiết kiệm tiền gửi của 9 khách hàng mở sổ tiết kiệm tiền gửi tại Phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn để lập các hồ sơ vay tiền theo thủ tục cầm cố giấy tờ có giá. Nữ Trưởng phòng này đã ký mạo danh họ, tên của 9 khách hàng đứng tên trên thẻ lưu tiết kiệm tiền gửi lập 39 giấy đề nghị cầm cố kiêm khế ước nhận nợ và 10 phụ lục. Hằng còn trực tiếp ký duyệt tại 39 thủ tục đề nghị cầm cố và đề nghị nhập khối tài sản bảo đảm và 10 phụ lục nêu trên.


Lê Minh Hằng


Sau đó, Hằng đưa lại cho các nhân viên và chỉ đạo họ ký hoàn thiện tại các thủ tục để lập 37/39 đề nghị cầm cố kiêm khế ước nhận nợ và 10 phụ lục khống. Không chỉ vậy, Hằng tiếp tục ký giả chữ ký, chữ viết của khách hàng tại một số giấy tờ khác và trong mục “người nhận tiền”. Khi “nhờ vả” nhân viên dưới quyền, Hằng nói, các hồ sơ xin vay cầm cố giấy tờ có giá nêu trên là của người thân, người quen của Hằng. Những khách hàng này đã ủy quyền cho Hằng nhận vay tiền. Do đó, Sơn đã xuất quỹ tiền mặt, đưa cho Trưởng phòng hơn 11 tỷ đồng. Ngày 25-2-2011, qua kiểm tra đột xuất, phía ngân hàng phát hiện sai phạm của Hằng và yêu cầu hoàn trả tiền. Thay vì trả lại tiền, Hằng lại “cao chạy xa bay”. Nhưng chẳng thể trốn chui lủi, ngày 3-1-2012, cán bộ này đã đến CQCA đầu thú.

Bị buộc tội với vai trò đồng phạm, 3 nhân viên của Hằng khai, biết việc ký hoàn thiện hồ sơ tín dụng cho vay cầm cố và chứng từ cho vay là trái với quy định về nghiệp vụ tín dụng ngân hàng. Nhưng phần vì nể nang, phần là cấp dưới của Hằng nên đã “bỏ qua” các quy định nghiệp vụ. Những nhân viên cho hay, không được lợi lộc gì từ sự “tạo điều kiện” này; thỉnh thoảng, họ được Hằng mời đi ăn uống, hát hò.

Vậy số tiền hơn 11 tỷ đồng Hằng chiếm đoạt đi đâu? Hằng khai, đã cho chị Lê Phương T, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vay 10 tỷ đồng, lãi suất 15%/tháng. Khi cho vay, Hằng không nói cho chị Thúy biết nguồn gốc số tiền cho vay. Đến nay, chị này chưa trả cho Hằng số tiền trên. Hằng cũng cho chị Nguyễn Thị P, trú tại xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, vay gần 4 tỷ đồng. Nhưng chị T và chị P đều quả quyết, đã trả nợ xong cho Hằng. Lý do chị T viết giấy vay nợ 10 tỷ đồng là để cứu Hằng. Bị cáo bị nhiều người đòi nợ nên chị giúp lập giấy vay nợ trên để Hằng có thể giãn nợ.

Hằng và 3 nhân viên bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng do vụ án còn nhiều tình tiết chưa sáng tỏ, HĐXX ngày 16-5-2013 của TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung.


Hoa Đỗ

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động