Thứ hai 25/11/2024 00:02
Phúc thẩm vụ án PVN “rót” 800 tỷ đồng vào Oceanbank

Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị tòa cân nhắc vì đã chuyển khỏi PVN

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 21-6, HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét hỏi với các bị cáo…

Trả lời HĐXX, bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán PVN (án sơ thẩm tuyên 23 năm tù; liên đới bồi thường cho PVN 100 tỷ đồng) đề nghị tòa xem xét giảm trách nhiệm dân sự đối với khoản bồi thường 100 tỷ đồng.

Bị cáo trình bày, Quỳnh không tham gia vào lần góp vốn thứ nhất, chỉ gián tiếp tham gia vào lần góp vốn thứ 2 (ủy quyền cho cấp phó tham gia) và trực tiếp tham gia vào lần góp vốn thứ ba. Về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Quỳnh cho rằng, đã thành khẩn khai báo và gia đình khắc phục 20 tỷ đồng đã nhận bất chính. Quỳnh thừa nhận, có cầm 20 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để “tạo điều kiện cho hoạt động của Oceanbank tốt hơn”. Thực tế, bị cáo thực hiện công việc bình thường mà không có ưu ái đặc biệt cho Oceanbank và xin tòa giảm án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN (tòa sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù và liên đới bồi thường 15 tỷ đồng cho PVN; rút kháng cáo khi khai mạc phiên tòa này) trả lời rằng, được bị cáo Đinh La Thăng giao đàm phán với Oceanbank về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược. Bị cáo Thăng chỉ giao miệng chứ không có văn bản, quyết định cụ thể. Tiền gửi cho Quỳnh, ông Sơn khẳng định là khoản “chăm sóc khách hàng của Oceabank” và đã đưa 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đưa tiền không có chứng từ và chỉ có 2 người với nhau.

bi cao dinh la thang de nghi toa can nhac vi da chuyen khoi pvn
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời HĐXX phúc thẩm.

Bị cáo Đinh La Thăng (án sơ thẩm tuyên 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN) một lần nữa khẳng định, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Cựu Chủ tịch HĐTV cho rằng, việc PVN góp vốn vào Oceanbank đã được sự đồng ý của Thủ tướng. PVN góp vốn vào Oceanbank năm 2011 được cho là vi phạm Luật Tổ chức tín dụng. Nhưng HĐXX sơ thẩm không xem xét đến việc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đồng ý cho tăng vốn. Đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn thoái vốn. Bị cáo Thăng diễn giải, bản án sơ thẩm đã bỏ qua các chứng cứ, lập luận của luật sư, không xem xét đến việc PVN muốn thoái vốn và việc PVN đã tìm được đối tác… “PVN nhận được 244 tỷ đồng tiền cổ tức từ Oceanbank và PVN đã sử dụng chính nguồn cổ tức này để góp 100 tỷ đồng vốn điều lệ vào Oceanbank” - lời bị cáo.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐTV còn trình bày, bản án sơ thẩm không đánh giá việc, tháng 8-2011, bị cáo đã rời khỏi PVN và Oceanbank hoạt động có hiệu quả, được chia cổ tức đến năm 2013. Vì vậy, bị cáo không thể chịu trách nhiệm hình sự, dân sự khi Oceanbank bị mua 0 đồng khi mà bị cáo đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình tại PVN từ tháng 8-2011.

Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, mục đích của việc góp vốn vào Oceanbank vì thời điểm đó bị cáo rất đau đầu với việc dự án thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Ngân hàng Hồng Việt bị dừng lại khi mà PVN đã đổ rất nhiều tiền để xây dựng. Thời điểm đó, thỏa thuận góp vốn của PVN vào Oceanbank được coi là cứu cánh để giải quyết vấn đề Ngân hàng Hồng Việt bị dừng. “Bị cáo chuyển công tác vào tháng 8-2011, không có dấu hiệu nào cho thấy Oceanbank sẽ thua lỗ. Khi tôi đi khỏi PVN, Oceanbank được xếp loại tốt. Không có lý do gì mà khi tôi đi rồi lại bắt tôi chịu trách nhiệm” - bị cáo Thăng khai.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động