Bất ngờ hoãn phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVKSND nhận định về hành vi của Trịnh Xuân Thanh!
Theo đại diện VSKND tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra, bị cáo không thừa nhận việc đã thỏa thuận, chỉ đạo bán cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau chiếm đoạt tiền chênh lệch. Nhưng, với kết quả điều tra công khai tại phiên tòa cho thấy:
PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT, nắm 14.000.000 cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land và theo Quy chế về người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác thì Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Ngọc Sinh, TGĐ PVP Land (được Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land) phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này.
Ngày 10-2-2010, đã có các chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện đầu tư, triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, bị cáo nắm rõ các thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2). Nhưng vào tháng 3-2010, sau khi có cuộc gặp với các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương tại nhà hàng số 1 đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội, Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện hỏi Phong về khách đến mua cổ phần và sau đó, theo lời khai của Phong, Thắng đã gọi điện nói Thái Kiều Hương đưa khách đến gặp Phong.
Tại buổi gặp này, Hương nói đã thống nhất với Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 34 triệu đồng/m2; phần chênh lệch Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Thanh.
Căn cứ lời khai của Sinh về việc Thanh đã thông báo và giới thiệu người mua, chứng tỏ Thanh đã biết việc này nên Sinh đã ký hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2. Ngày 6-4-2010, Lê Hòa Bình thực hiện thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông Cty Xuyên Thái Bình Dương. Như Hương nói, tại đây Hương được Đặng Sỹ Hùng nhờ nhận 14 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi nhận 14 tỷ đồng từ Bình, Hương đã gọi điện nhờ Thắng chuyển cho Thanh và được Thắng đồng ý. Tối cùng ngày, Hương đã chuyển 14 tỷ đồng đến nhà Thắng, giao cho vợ Thắng. Sáng ngày 7-4-2010, Thắng cho 14 tỷ vào va li kéo và chỉ đạo lái xe của Thắng (anh Vũ Đức Lưu) chuyển cho lái xe của Thanh là anh Nguyễn Đặng Toàn để chuyển cho Thanh. Lời khai của Hương, Thắng, Lưu, Toàn phù hợp với nhau về việc nhận và chuyển 14 tỷ đồng cho Thắng để chuyển tới Thanh.
Do đó, VKSND nhận định, đủ căn cứ kết luận, Thanh chính là người đã quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Cty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Cty CP xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của Dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch và Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh tại tòa. |
Cần làm rõ số tiền 19 tỷ đồng!
Ngày 28-1, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội. Đại diện VKSND nêu, Hương đưa cho Thắng 19 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng là tiền cảm ơn Thắng; 14 tỷ đồng là nhờ Thắng chuyển cho Thanh.
Sau đó, Hương yêu cầu Thắng trả lại 19 tỷ đồng. Nhiều lần yêu cầu, Thắng đã hoàn trả cho Hương 5 tỷ đồng, phần đã nhận. Thắng cũng điện thông báo với Thanh vụ việc bị phát hiện, Hương yêu cầu trả lại va li tiền. Thanh đồng ý và bảo Thắng trực tiếp đến văn phòng làm việc của Thanh tại PVC nhận lại 14 tỷ đồng và chuyển trả cho Hương. Ngày 29-6-2010, Lê Hòa Bình, đại diện Cty Minh Ngân ký văn bản thỏa thuận với Cty Vietsan về việc đưa số tiền 19 tỷ đồng mà Hương nhận lại vào thanh toán tiền Bình mua cổ phần Cty Xuyên Thái Bình Dương từ Cty Vietsan.
CQĐT làm rõ, ngày 6-5-2010, kế toán Cty Vietsan đã nộp 14 tỷ đồng tiền mặt vào tài khoản của Vietsan tại Wooribank chi nhánh Hà Nội, còn lại 5 tỷ đồng sử dụng trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp, chi nhánh Hồng Hà.
Tại tòa, đại diện Vietsan cho biết, theo biên bản xử lý công nợ về việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Cty Minh Ngân và Vietsan, 2 bên thống nhất hủy bỏ hợp đồng và xác nhận Cty Minh Ngân thanh toán cho Vietsan 96 tỷ đồng. Tại buổi làm việc có CQĐT, VKSND, xác nhận Vietsan đã trả lại 96 tỷ đồng.
Đại diện VKSND cho rằng, về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án, tại bản luận tội, căn cứ khoản 3 điều 47 bộ Luật Hình sự 2015, đại diện VKSND đề nghị HĐXX cần thu hồi, xung công quỹ nhà nước của Cty Vietsan số tiền 19 tỷ đồng mà bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt và đã chuyển trả cho bị cáo Thái Kiều Hương.
Tại tòa, đại diện VKSND nhận định, đại diện cho Cty Vietsan có ý kiến, sau khi CQĐT khởi tố vụ án tại Cty 1/5 thì hợp đồng giữa Vietsan và Cty Minh Ngân chuyển đổi 6 triệu cổ phần đã bị hủy bỏ. Vietsan đã chuyển trả Minh Ngân số tiền 93 tỷ, trong đó có 19 tỷ đồng nêu trên. Do đó, cần xác minh nội dung Vietsan nêu ra. VKSND đề nghị HĐXX làm rõ nội dung này nên tạm dừng phiên tòa làm rõ nội dung nêu trên.
Đồng ý với quan điểm của đại diện VKSND, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa trong 4 ngày để xác minh lại số tiền 19 tỷ đồng và sẽ làm việc trở lại vào ngày 2-2.
Trước đó, trong phần bào chữa của mình, Trịnh Xuân Thanh nói rằng, suốt 2 năm vừa rồi, bị cáo như “ngáo ộp”. “Nhiều người ngoài xã hội bảo bị cáo là bè nhóm của anh Thăng. Bị cáo không thuộc lợi ích nhóm của anh Thăng, vì bị cáo và anh Thăng chỉ gặp nhau, quen từ năm 2006” – lời Thanh.
Thanh cho rằng, anh ta bị quy chụp tội danh. Tiền thì người ta ném vào xe của mình, nhưng bản thân bị đề xuất hình phạt chung thân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại