Yêu cầu bồi thường số tiền lớn có cơ sở pháp lý?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác nghệ sĩ đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường thiệt hại vài chục tỷ đồng. |
Theo kết luận điều tra bổ sung, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều cá nhân. Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên bị bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm là ăn chặn tiền từ thiện. Theo kết luận điều tra, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất gần 31 tỷ đồng; và bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đòi bồi thường về vật chất hơn 43 tỷ đồng. Nhà báo Hàn Ni yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên ngay sau đó, ca sĩ Thủy Tiên đã có những chia sẻ trên Fanpage hơn 10 triệu lượt theo dõi, cho biết vợ chồng cô không yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần 14,9 tỷ đồng như thông tin đang lan truyền. Còn về việc bồi thường thiệt hại vật chất gần 31 tỷ đồng, ca sĩ Thủy Tiên cho biết đây là số tiền mà công ty đã bị các đối tác nhãn hàng hủy hợp đồng đã ký, thậm chí một số đối tác còn kiện công ty quản lý ra tòa.
Vậy bồi thường thế nào và căn cứ vào đâu, liệu yêu cầu bồi thường số tiền lớn như vậy có được chấp nhận hay không, có cơ sở pháp lý hay không? Theo Luật sư Lê Hồng Hiển - Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự, tại điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) có quy định các khoản bồi thường bao gồm:
Các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (chi phí để gỡ clip, video, hình ảnh đăng tải trên MXH, chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nếu có). Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nên người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó. Khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Khoản tiền này do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa là 10 tháng lương cơ sở (1,49 triệu x 10 = 14,9 triệu đồng).
Như vậy, trong số các khoản tiền được bồi thường thiệt hại thì khoản tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần đã được pháp luật quy định mức cụ thể, tối đa là 14,9 triệu đồng. Không phân biệt người bị thiệt hại là ai. Còn đối với 2 khoản yêu cầu bồi thường về chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại và khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng thì pháp luật chỉ quy định nguyên tắc xác định, cách tính các khoản bồi thường này mà không quy định con số bồi thường cụ thể, tối thiểu hay tối đa là bao nhiêu.
Như thế, để được Tòa án xem xét giải quyết thì người bị thiệt hại/người yêu cầu bồi thường phải khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, phải nộp tiền tạm ứng án phí. Và lưu ý, số tiền yêu cầu bồi thường càng lớn thì tiền án phí phải nộp càng cao. Đồng thời, người khởi kiện có nghĩa vụ phải cung cấp các chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cụ thể phải chứng minh có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; có thiệt hại thực tế xảy ra và phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
“Còn đối với khoản yêu cầu bồi thường hàng chục tỷ đồng như báo chí dẫn thông tin từ kết luận điều tra thì người yêu cầu khởi kiện phải chứng minh được bà Phương Hằng có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và việc xâm phạm đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các Hợp đồng biểu diễn, Hợp đồng quảng cáo… đã ký kết trước đó giữa những người này với Bên thứ ba bị huỷ, không được tiếp tục thực hiện và gây thiệt hại” - luật sư Hiển phân tích.
Và tất nhiên, những Hợp đồng bị huỷ dẫn đến thiệt hại nêu trên (nếu có) phải là những Hợp đồng thật chứ không phải Hợp đồng được các Bên lập khống để nhằm phục vụ cho mục đích chứng minh thiệt hại để yêu cầu bà Hằng phải bồi thường. Các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể căn cứ vào tình tiết, thông tin, chứng cứ, tài liệu liên quan để xác định được hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại có chính xác và hợp pháp hay không.
Trong trường hợp các nghệ sĩ không chứng minh được có thiệt hại thực tế xảy ra (không có hoá đơn, chứng từ, biên lai…), hoặc có thiệt hại thực tế xảy ra nhưng thiệt hại đó không phải do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Phương Hằng gây ra mà những thiệt hại đó chỉ là suy diễn, chưa xảy ra trên thực tế thì những yêu cầu bồi thường này sẽ không được xem xét, chấp nhận và người yêu cầu khởi kiện sẽ bị mất số tiền án phí phải nộp.
Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 45 tỷ đồng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại