Xe ôm công nghệ nỗ lực vượt dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐứng chờ khách trên tuyến đường Khuất Duy Tiến, anh Hoàng, 30 tuổi, tài xế xe ôm GrabCar chia sẻ, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, ước chừng khoảng 50%. “Trước đây tôi thu được khoảng hơn 600 nghìn đồng mỗi ngày, thời gian này chạy chăm lắm cũng chỉ được một nửa con số trên, sau khi trừ các chi phí thì bỏ túi chẳng được bao nhiêu”, anh Hoàng than thở.
Cũng cùng chung cảnh ngộ như Hoàng, anh Quân, 45 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ trên đường Phạm Hùng chia sẻ: “Không ai ra đường, không ai đi nhậu, đi cà phê, học sinh, sinh viên không đi học, tài xế chạy xe công nghệ như tôi cũng đuối lắm rồi”.
Các tài xế xe ôm công nghệ chờ khách trên đường Khuất Duy Tiến |
“Bình thường mỗi ngày chạy được 20-25 chuyến, có thêm tích điểm thưởng, thu nhập của tôi khoảng 300.000-400.000 đồng. Bây giờ mỗi ngày chỉ chạy được 4-5 chuyến, kiếm được 100.000-200.000 đồng. Trừ chiết khấu, xăng xe, hao mòn dư được 30.000-50.000 đồng. Không đủ sống, chỉ là đường thoáng hơn thôi”, anh Quân chia sẻ thêm.
Trên thực tế, có khá nhiều tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ, lượng khách hàng đông đảo nhất, thường xuyên sử dụng dịch vụ là giới nhân viên văn phòng, phụ huynh và học sinh. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên một số công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà; học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày; cùng với đó, tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế khi ra đường của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến việc "ế" khách như hiện nay.
Tại khu ngoại giao đoàn không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều tài xế xe ôm công nghệ trò chuyện với nhau trong lúc chờ khách. |
Có một điều là, dù nhu cầu đi lại giảm mạnh nhưng dịch vụ giao nhận hàng hóa, đồ ăn lại tăng nhẹ. Để có thu nhập, các tài xế đặc biệt là xe ôm công nghệ đã chuyển hướng dần sang kết hợp vừa chở khách và giao nhận đồ ăn.
Anh Văn, một tài xế của của hãng Be cho biết: “Buổi trưa mọi người gọi ship đồ ăn rất nhiều. Có ngày tôi giao đến 40 - 50 suất, thu nhập có thể dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày”. Tuy vậy, anh Văn nhận định, số tiền kiếm được vẫn ít hơn nhiều so với trước mùa dịch.
Nhiều tài xế lựa chọn việc ngủ ngay trên xe trong lúc chờ đón khách... |
Cũng theo đại diện của hãng Be chia sẻ thì hãng đã có kế hoạch chu đáo để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng chỉ tiêu đã đề ra và tích cực chung tay cùng cộng đồng trong việc nghiêm túc phòng chống dịch. Trong khi đó, phía Grab cho biết tình hình kinh doanh của hãng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả dịch vụ tại Việt Nam kể từ sau khi Chính phủ công bố dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (ngày 1-2).
“Tuy nhiên, để xác định chính xác sự tăng trưởng này do yếu tố nào mang lại, cần phải theo dõi một khoảng thời gian nữa cũng như đòi hỏi phương pháp phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện”, đại diện hãng Grab cho biết.
...hay vào mạng để tìm kiếm thông tin trong lúc nhàn rỗi. |
Trước những khó khăn chung, hầu hết các tài xế xe ôm công nghệ đều lạc quan tin tưởng vào công tác kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh bùng phát mạnh. Và cũng như tất cả mọi người họ đều mong muốn mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất để công việc tiếp tục diễn ra thuận lợi như trước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại