Thứ sáu 20/09/2024 23:45

Xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Xung quanh câu chuyện cuộc gọi, tin nhắn rác “khủng bố” người dùng điện thoại trong thời gian qua, rất nhiều bạn đọc cho rằng, để trị vấn nạn này không khó, vấn đề là các cơ quan chức năng (CQCN) có quyết tâm làm hay không!?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bực bội vì bị làm phiền

Mỗi lần nhắc tới sim rác, cuộc gọi rác, anh Trần Quang Khởi, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi số lượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác tới thuê bao điện thoại của anh nhiều hơn cả giao dịch chính thức. “Việc phải nhận quá nhiều cuộc gọi rác trong ngày khiến tôi phải cảnh giác hơn với số lạ. Để tránh phiền hà, nhiều cuộc gọi đến, tôi đành phải tắt chuông chứ không bắt máy ngay…”, anh Trần Quang Khởi chia sẻ.

Không chỉ gọi điện quảng cáo dịch vụ, nhiều người dùng còn bị “tấn công” bởi các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Chị Nguyễn Thị Huệ, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, khi nhận được cuộc gọi của đối tượng mạo danh, CQCA, VKS, Tòa án gọi điện thông báo có giấy triệu tập và yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra, chị bình tĩnh trả lời đầu dây bên kia “lừa đảo nhầm đối tượng rồi” thì đối tượng liền tắt máy. Kinh nghiệm này của chị Huệ có được nhờ dành nhiều thời gian cho việc đọc báo.

Thời gian qua, CQCN đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết sim rác, cuộc gọi rác. Trước đó, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 2 hình thức thoại và tin nhắn, cùng với đó là các cuộc thanh kiểm tra vẫn thường xuyên diễn ra.

Thế nhưng, nếu vẫn có sự tiếp tay từ các đại lý và sự thiếu quyết liệt của các nhà mạng thì cuộc chiến với sim rác còn chưa có hồi kết và những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo... vẫn còn tiếp tục quấy nhiễu người dân. Đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TTTT cho biết, để ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác, chỉ các giải pháp kỹ thuật không thôi là chưa đủ. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là sở cứ để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Người dùng di động cần có trách nhiệm phản hồi, chung tay cùng cơ quản lý Nhà nước và các nhà mạng giải quyết câu chuyện này.

Phải đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được quyền và nghĩa vụ của họ giúp nhà mạng và cơ quan quản lý thực thi pháp luật xử lý vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Thêm vào đó, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Cụ thể, phạt từ 10-20 triệu đồng với hành vi "Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo".

Ông Thắng phân tích, mới đây, Bộ TTTT đã có quy định sau ngày 31/3/2023, thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân sẽ bị khóa. Đây không phải lần đầu tiên mốc thời gian được Bộ TTTT yêu cầu các đơn vị thực hiện nhưng sau đó đâu lại vào đấy, sau đó sim rác vẫn còn. Đây là trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng.

Cần bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật

Theo chia sẻ của Phó Tổng GĐ Tổng Cty Viễn thông MobiFone Thiềm Công Nguyên, để ngăn chặn sim rác, DN đã yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, Bộ TTTT, đồng thời thực hiện kiểm tra chéo trong nội bộ. MobiFone cũng đã yêu cầu không kích hoạt sim mới vào giờ muộn nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng bán sim rác.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay tội phạm thường sử dụng sim rác làm công cụ thực hiện các hành vi phạm tội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay nặng lãi; Tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Rửa tiền qua không gian mạng... Ngoài ra, các đối tượng phạm tội còn sử dụng sim rác để gọi điện đe dọa, bôi nhọ danh dự, xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức.

"Thực tiễn thấy rằng, khi đối tượng sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông mà gây ra hậu quả nghiêm trọng (khi biến thành các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản) thì khi đó CQCN mới vào cuộc, xử lý. Còn đối với các trường hợp vi phạm hành chính thì ít khi bị xử lý và ngăn chặn kịp thời", luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Đối với các hoạt động trên không gian mạng thì đây là môi trường mới, môi trường mở, kết nối toàn cầu, nên việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy phạm pháp luật trên không gian mạng là vấn đề không riêng gì Việt Nam mà rất nhiều quốc gia quan tâm.

Hiện nay, chúng ta đã có những quy định để đảm bảo an ninh an toàn mạng như: Luật An ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Công nghệ thông tin... Đã có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, có các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm công nghệ cao.

Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý cũng nhìn nhận, xã hội ngày càng phát triển, các hoạt động trên không gian mạng ngày càng đa dạng, bởi vậy việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi trên không gian mạng, đặc biệt là các hành vi liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân trên không gian mạng là cần thiết.

Theo đó, cần phải pháp điển hóa, thống kê các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

Đồng thời, phải rà soát những quy định không còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định cần thiết, đặc biệt là lưu ý đến các trường hợp thu thập dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân. Trách nhiệm của tổ chức, DN khi bị đánh cắp dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là cần gắn trách nhiệm với các đơn vị viễn thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi xảy ra các hành vi mua bán, trao đổi dữ liệu công khai trên các hội nhóm thuộc các nền tảng mạng xã hội.

Để xảy ra hành vi vi phạm trên nền tảng nào thì đơn vị quản lý nền tảng đó phải liên đới chịu trách nhiệm. Mặt khác, cần quy định tăng cường công tác quản lý không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng mua bán, chia sẻ dữ dữ liệu cá nhân. Có kiểm soát được việc mua bán, chia sẻ dữ liệu cá nhân thì sẽ giảm thiểu được hành vi đánh cắp, thu thập trái phép dữ liệu cá nhân.

Bộ TTTT vừa chỉ đạo thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5/4 đến ngày 5/6/2023. Bộ TTTT cũng đang xem xét sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3-6 tháng nếu phát hiện các DN viễn thông để xảy ra sai phạm quy định về quản lý sim. Bộ sẽ yêu cầu xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao.

Bộ TTTT cũng cho biết, tính đến ngày 11/4, đã có 394.000 thuê bao đi đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân, đạt 21,9% tổng số thuê bao bị khóa. Trung bình mỗi ngày đang có khoảng 33.000 thuê bao đi chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy, các nhà mạng hiện còn hơn 1,2 triệu sim bị khóa một chiều nhưng chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân. Những thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 2 chiều từ ngày 15/4 tới đây. Ước tính có khoảng 1 triệu sim bị khóa 2 chiều. Đến 15/5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số.

Đề xuất 5 cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân
Hà Nội: Bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong kết nối đến “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư"
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động