Vĩnh Phúc: Chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở trong mùa mưa lũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênUBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa lũ. Ảnh minh họa - Sỹ Hào |
Bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của Nhân dân
Cụ thể, Công văn số 5534/UBND-NN của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có nội dung cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 607/CĐ-TTg về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và kết cấu hạ tầng.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện 607/CĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2023.
Tổ chức kiểm tra rà soát các khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông suối, kênh, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản, kết cấu hạ tầng.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra.
Sở NN & PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống thiên tai tại các công trường xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông suối, sườn dốc.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giám sát việc cấp phép, khai thác đất, đá, cát sỏi trên sông suối để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất đá cát sỏi trái phép, tập kết vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo kiểm tra công tác đảm bảo anh toàn tại các công trường xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chày, thoát lũ.
Công an tỉnh tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát sỏi trên sông, suối trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, tăng cường phổ biến pháp luật về phòng chống thiên tai, sạt lỏ, hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó sạt lở.
Bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê điều…
Trao đổi với PV PL&XH xung quanh vấn đề trên, ông Đường Xuân Thể, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022 vừa qua trên địa bàn tỉnh, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường đặc biệt là đợt mưa lớn từ ngày 22-24/5/2022 và các đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 2, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 6/2023, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực Biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực trong cả nước được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa phân bổ không đều và phát sinh những đợt mưa lớn bất thường; các loại hình thiên tai có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường.
Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tổng thể hiêṇ trạng an toàn công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; Trong đó ưu tiên các đập, hồ chứa có nguy cơ cao xảy ra sự cố và đập, hồ chứa có lưu vực tập trung dòng chảy nhanh.
Rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là thành phố, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại