Thứ năm 18/04/2024 15:26
Giải đáp chính sách

Trợ giúp cho người khuyết tật trong lĩnh vực tư pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định người khuyết tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Xin quý báo cho biết, trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực tư pháp được pháp luật quy định như thế nào?

(Nguyễn Hải Anh, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định người khuyết tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý).

Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là trẻ em; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho người được trợ giúp pháp lý.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thuộc các trường hợp:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh/TP để được hướng dẫn và giải quyết.

Đảng, Nhà nước luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Uớc tính cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động