Thứ hai 25/11/2024 17:04

Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ít dân tộc nào trên thế giới có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam thờ cúng vua Hùng. Đây là tín ngưỡng thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đời đời biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước của Nhân dân ta, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam
Nghi lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng trong sáng nay 10-4 (tức 10-3 âm lịch). Ảnh: Khánh Huy

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Cứ mỗi dịp quốc lễ 10-3 âm lịch, người dân Việt Nam lại bồi hồi, xúc động hướng về miền đất Tổ với lòng biết ơn sâu sắc. Ai cũng mong muốn được hành hương về với vùng đất linh thiêng - nơi cội nguồi dân tộc để thắp nén tâm nhang dâng lên các vua Hùng - những người đã có công dựng nước.

Với những người tham gia lễ hội đền Hùng, họ thường bố trí thời gian để đi từ ngày hôm trước hoặc đúng ngày lễ chính thức. Còn những nơi xa, tùy địa phương sẽ tổ chức đa dạng các chương trình để người dân cùng tham gia, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Các Vua Hùng được Nhân dân lập đền thờ chính tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra còn rất nhiều đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước.

Theo Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Phú Thọ Nguyễn Tiến Khôi, người Việt Nam có quan niệm “Sự tử là để sự sinh, sự vong là để sự tồn”, vì thế Hùng Vương trong tâm khảm của người Việt là người khai sáng ra đất nước và dân tộc. Cho nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam. “Cây có cội, nước có nguồn”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Nội lực của văn hóa dân tộc đã được minh chứng rõ nét trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ thành đất nước tự do, độc lập.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến ở Đông Dương. Sáng 19-9-1954, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Bác đã giảng giải nhiều điều và căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ghi nhớ lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Lòng biết ơn, thành kính Tổ tiên cũng đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc - các Vua Hùng”.

Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam
Hàng nghìn người trên khắp mọi miền đất nước hành hương về đất Tổ. Ảnh: Khánh Huy

Trong những ngày hội giỗ Tổ, các làng xã xung quanh khu vực có đền thờ Tổ Hùng Vương sẽ tham gia rước kiệu và các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ lễ hội. Đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, Nhà nước và nhân dân thực hiện các nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm nay, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức diễn ra lúc 7g, ngày 10-4 (tức mùng 10-3 năm Nhâm Dần). Chương trình do tỉnh Phú Thọ cử hành trọng thể, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội lên Đền Thượng. Đi đầu là khối nghi thức gồm tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội; tiêu binh rước vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

Theo sau là 18 thiếu nữ mặc trang phục áo dài truyền thống màu đỏ mang hương, hoa, lễ vật; đội nhạc hành lễ và 100 con cháu Lạc Hồng rước cờ hội. Tiếp theo là đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dầy gắn liền với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta và đoàn đại biểu.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị cũng được thực hiện theo nghi thức truyền thống cùng thời gian với Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào sáng mùng 10-3 âm lịch.

Trước đó ngày 7-4, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu về Đền Hùng để tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Lễ rước kiệu này được thực hiện bởi 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích gồm : Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú (thành phố Việt Trì); Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao).

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động