Tìm giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDịch bệnh đã khiến 62 triệu người hoạt động trong lĩnh vực lữ hành và du lịch mất việc làm. |
Du lịch đang phải đối mặt với những khó khăn
Phát biểu tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Hội thảo Du lịch 2021 sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng cho biết, 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, năm 2019 đón số lượng khách quốc tế kỷ lục với 18 triệu lượt khách. Đồng thời, ba năm liên tiếp Việt Nam liên tục được các tổ chức du lịch uy tín thế giới đánh là điểm đến hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cho du lịch Việt rơi vào "khoảng lặng". Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho DN và người lao động…
Phục hồi ngành du lịch an toàn, hiệu quả
Để phục hồi ngành du lịch an toàn, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, cần ưu tiên số hóa, phân tích thị trường, dự báo đề cập đến các xu hướng du lịch để thích ứng với việc tìm các thị trường. Phục hồi du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu” và kết nối an toàn. Đồng thời, phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn yêu cầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, đồng thời nêu tầm quan trọng trong vấn đề thực hiện. Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn, trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị. Phó Thủ tướng chia sẻ về hai nội dung đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Đó là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các DN lớn, giúp người dân cải thiện sinh kế; cùng với đó là cần khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về văn hóa.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel kiến nghị, cần phải có chính sách mạnh cho ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, đảm bảo được việc hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ từ các quỹ, định chế tài chính và những hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Quốc hội để cho các DN có thể mở cửa trở lại. Cụ thể cần phải xem xét lại chính sách thuế. Vừa qua, các DN đã được giảm thuế 2 tháng cuối năm, 30% thuế VAT, nhưng độ thẩm thấu thấp, nên chính sách cần phải có độ ngấm, thấm thì mới có hiệu quả.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Để thu hút khách du lịch trong trạng thái bình thường mới thì cần ba yếu tố: An toàn, mở và đồng bộ. Trong đó yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân có niềm tin đến với các điểm đến. Đặc biệt, không có gì hỗ trợ tốt nhất đối với DN lúc này là mở cửa cho DN du lịch hoạt động. Muốn mở cửa được, phải đồng bộ các ngành Ngoại giao, Y tế, Giao thông. Đồng thời cũng phải nhất quán với các địa phương, để khách đến nơi này, khi có nhu cầu sang địa phương khác thì cũng sẽ được tạo điều kiện.
Theo bà Julia Simpson, GĐ điều hành Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới, không chỉ Việt Nam mà ngành du lịch thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Cụ thể trong nǎm 2019, lữ hành và du lịch đã đóng góp 10,4% cho GDP toàn cầu, tương đương 9.170 tỉ USD; đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm còn 4.700 tỉ USD. Dịch bệnh đã khiến 62 triệu người hoạt động trong lĩnh vực lữ hành và du lịch mất việc làm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại