Thú chơi gà chọi "trăm triệu" của chàng trai Hà thành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThú chơi gà chọi hiện cũng đang được khá nhiều bạn trẻ Hà thành xem là một thú chơi thời thượng, đặc biệt với nhiều bạn trẻ, đó còn là niềm đam mê, ước mơ lớn.
“Say” gà từ lúc 6 tuổi
Gặp Nguyễn Hoài Nam (số 19, ngõ 561 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) lần đầu, có lẽ ít ai nghĩ người đối diện thuộc thế hệ “9X” bởi chàng trai Hà thành này tỏ ra ra khá am hiểu và kinh nghiệm về thú chơi gà chọi.
Theo Nam, một con gà chọi đẹp sau khi lựa chọn tông dòng (nguồn gốc), thì người nuôi bắt đầu tiến hành xem tướng gà chọi để chọn được một “chiến kê” (gà chọi hay) giỏi gồm có 4 yếu tố cần xem xét như “Nhất thủ, nhì vĩ, tam hình, tứ túc” tức là xem đầu, lông, hình dáng và chân vảy đẹp.
“Một con gà chọi đẹp toàn diện phải là con gà mặt công, mình cốc, cánh vỏ chai, mình như chim cốc, cánh dài ôm sát vào người. Màu mã một con gà đẹp như màu ô tía (màu lông đen phảy đỏ), chân vàng, mào công, mắt trắng người ta thường nói ‘Nhất điều ô, nhì xám khô, ba ô ướt.’
Về đường nét, gà chọi đẹp là con gà mào công, mắt trắng, mỏ ba soi chiều cao khoảng 40-50 cm tính từ chân đến cánh vai, khung bệ tốt. Đặc biệt gà chọi rất quan trọng ở cặp chân, cặp chân đẹp như chân vàng điểm mực, hậu độ nổi phồng lên. Ngoài hình dáng thì một con gà chọi ‘thông minh’ là điều quan trọng không kém, đó là một chú gà có thế võ hay và chiến thuật, ít để đối phương đánh vào đầu,” Nam say sưa tả.
Hồ hởi trò chuyện, Nam cho biết, từ lúc nhìn thấy con gà chọi Nam đã “say” ngay và luôn mơ ước được sở hữu một chú gà chọi thực thụ. Tính từ thời điểm đó đến nay cũng đã ngót hơn 20 năm, chàng trai trẻ “9X” này gắn bó với những chú gà chọi.
“Nói đến chủ đề gà chọi thì có nói từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác cũng chưa chắc đã hết chuyện,” Nam cười xuề xòa nói.
“Nhìn trong chuồng phân không tốt là rất lo”
Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ với những “đấu sỹ” này Nam còn tiết lộ, lúc bé vì mê gà quá mà lãnh bao nhiêu trận rầy la của bố mẹ bởi cái tội “cầm” xe đạp để mua được con gà về nuôi.
“Bắt đầu nuôi gà lúc 6 tuổi nhưng hồi đó chỉ đi xin gà về nuôi thôi chứ làm gì có tiền mà mua gà. Đến năm học cấp 2 đã tự cho gà ra xới chọi rồi. Cũng phải bán mấy cái xe đạp để ‘đầu tư’ mua gà chứ không ít đâu. Thậm chí còn xin đi rửa xe máy thuê để lấy tiền mua gà,” Nam cười tít mắt chia sẻ.
Nam cũng cho biết, nhà không có sân vườn vì thế sân thượng chính là “trang trại mini” của những chú gà chọi anh nuôi. Không gian không rộng nhưng Nam cũng đã khéo léo tự thiết kế để đặt các chuồng nuôi những chú gà chọi và còn không quên bố trí khu vực sân tập thể dục cho các “đấu sỹ” này. Hằng ngày anh khá bận rộn và tiêu tốn khá nhiều thời gian ở trên khu vực sân thượng này.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho những chú gà chọi của mình, Nam còn lắp đặt hệ thống điều hòa hai chiều ngay tại chuồng nuôi gà, không để gà chịu quá lạnh cũng như quá nóng.
“Chăm sóc con gà như chăm sóc đứa trẻ con, phải để ý nó ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào. Một ngày chế độ ăn ba bữa: sáng phải dậy từ 4-5 giờ sáng để cho gà ăn một bữa thóc chứ dậy muộn thì gà bị đói, khoảng 12 giờ trưa thì cho ăn một bữa gồm có đồ tươi như thịt cá, tôm, cua, rau muống, rau cải, cà chua và khoảng 4 giờ chiều phải cho gà ăn bữa tối. Đó là chưa kể thời gian cho gà tập luyện.
Ngoài ra, còn phải có thêm một số thuốc bổ trợ nữa như bổ xương, bổ nội tạng, bổ máu. Những con gà bị ốm uống kháng sinh xong thì phải cho uống thuốc bổ gan để nó thải độc ra ngoài. Cho gà uống vitamin để cho nó kích ăn. Nuôi con gà chọi như chăm trẻ con phải để ý từ… bãi phân nó như thế nào. Sáng dậy nhìn trong chuồng phân không tốt là rất lo,” Nam chép miệng nói.
Nam tâm sự, anh “cuồng” gà đến mức hôm nào nếu có chú gà bị ốm, Nam sẽ mất ngủ, nằm cứ trằn trọc thương con gà. Hoặc khi có con gà mình thích mà không bắt được thì trong người cứ cảm thấy bứt rứt nghĩ cách để chuộc (mua) bằng được.
Nói đến đam mê này, anh Bùi Quang Tuấn (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cũng đang sở hữu 5 con gà chọi thuộc hàng “đỉnh,” trong đó có “chiến binh” còn được định giá ngót trăm triệu nhưng anh nhất quyết không bán. Mặc dù không có sân vườn nên anh cũng vừa nuôi ở nhà vừa đi gửi.
“Từ năm 6 tuổi, thấy con gà là mình đã thích mê. Nên việc nuôi gà chỉ để thỏa chí đam mê, lúc nhỏ tôi còn bế cả chó để đổi lấy gà chọi về nuôi trong nhà, ăn ngủ với nó. Thậm chí giờ nhiều hôm đi làm về căng thẳng nhưng chỉ cần nhìn thấy chú gà chọi ‘kiêu hãnh’ vươn mình vỗ cánh là mình đã thấy xua tan mọi ưu phiền,” anh Tuấn cười thích thú.
Anh Tuấn cũng cho biết, với nhiều thanh niên, đá gà là thú chơi lành mạnh, giúp bỏ được nhiều cám dỗ không tốt như chơi điện tử hay là những tệ nạn xã hội khác, vì hầu như thời gian đều dành cho gà, không tâm trí nào để chơi bời những thứ khác.
Gà chọi “nửa tỷ”
Hiện nay, “trang trại mini” của Hoài Nam có khoảng vài chục con gà chọi. Ngoài ra, Nam còn có một trại “đúc” (nơi nhân giống gà) ở tỉnh Bình Định.
Mỗi con gà của Nam đều có những tâm đắc khác nhau, được anh coi như những “bảo bối” vô giá của mình. Vì đó đều là những chú gà được anh chăm bẵm hàng ngày, xem như những đứa con tinh thần của mình.
“Dân chơi gà thường rất ít khi bán gà mà chỉ tặng gà thôi. Song có những người họ cũng nuôi để bán. Đây cũng là một hướng để làm kinh tế vì có những con gà chọi có giá khoảng 200-300 triệu, thậm chí có con gà chọi còn được định giá khoảng nửa tỷ, đắt bằng cả cái nhà, cái ô tô. Còn gà chọi thông thường cũng dao động từ 1 triệu đến 50-60 triệu đồng/con ,” Nam cho hay.
Nói đến những chú gà của mình, Nam còn đặt tên thân thiết cho từng con như gà Tôn Ngộ Không (nhìn nó tinh nhanh như Tôn Ngộ Không và có những đòn đánh, lối chiến đấu sắc bén, đặc biệt không cho đối thủ đánh vào đầu), gà Ma tốc độ (đá nhanh mạnh, chính xác), Tía thằn lằn (nhìn màu tía và có cổ như con thằn lằn); gà Ô bom (màu đen và có lối đá như dội bom), gà Ô con (màu đen và rất nhỏ con)....
Nam còn hồ hởi liệt kê những con gà chọi “danh thủ” nhất nhì Việt Nam mà chỉ cần nhắc tên gà, dân chơi sẽ biết ngay chủ nhân của nó như : Xám Messi (của anh Bình Vổ ở Thái Bình) ; Ô taxi (anh Chỉnh ở Trung Kính, Hà Nội); Tía Liên Chu (anh Thành ở phố Vọng, Hà Nội); Xám Thần (anh Thơ ở Sơn Tây); Nhạn Yến Thanh (bác Hiển ở Nhân Chính, Hà Nội); Ô Điên (người có biệt danh Cáo Chạy Kêu -Thái Nguyên); Gà Peter Ground (biệt danh Trung Càphê ở Bưởi, Hà Nội)….
“Những con gà này đều có giá từ 300-500 triệu đồng. Những con gà này ăn giải nhiều kỳ, đòn lối hay, độc chân. Tuy nhiên, chủ nhân của những chú gà này không bán vì họ cũng là những người say mê với gà chọi, mỗi con gà đã tạo nên thương hiệu, hễ nhắc đến tên gà thì người ta biết đến tên chủ,” Nam cho biết.
Nam cũng cho hay, dịp ra Tết anh thường hay cho những chú gà của mình tham gia các lễ hội đình-làng, hoặc các cuộc thi để chọi thi. “Nuôi con gà thành công thích lắm. Xem gà thi đấu mà con nào có thế võ hay là ấn tượng mãi, cảm giác như xem một trận bóng sau đó đội tuyển mình thắng vậy thôi, đá gà thắng rất sướng,” Nam cười giòn tan.
“Hiện nay, dân chơi gà chọi rất đông, chọi gà không chỉ là thú chơi mà còn là niềm đam mê cho tất cả những ai muốn gắn bó với con vật này và phải là người yêu gà thì mới đào tạo ra được một con gà đá hay, có tên tuổi trong giới,” Nam cho hay./.
Thanh Tâm / www.vietnamplus.vn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại